Thursday, April 30, 2015

30-4-1975 / Đại Tướng Dương Văn Minh

Từ Trái: Dân biểu Nguyễn Văn Binh, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh
Tổng Thống Dương Văn Minh, Phó TT. Nguyễn Văn Hảo, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu  (30/4/1975)


        Suốt từ bữa cơm tối hôm qua, anh chị Nguyễn Văn Binh đều bàn bạc và lo âu về vấn đề Đại Tướng Dương Văn Minh bất thần đổi ý không chịu nhận ra gánh vác tránh nhiệm nữa... Tôi và ông Đỗ Sinh Tứ chỉ ngồi nghe và không ai có ý kiến gì. Ông Đỗ Sinh Tứ, nguyên là Đại Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ra ứng cử và đắc cử dân biểu nền Đệ Nhị Cộng Hòa và là thành viên trong Nhóm Quốc Gia thuộc Hạ Viện mà anh Nguyễn Văn Binh là trưởng nhóm. Là những người Công Giáo di cư, cả hai chúng tôi đều không có cảm tình gì với Đại Tướng Dương Văn Minh, người đứng đầu thực hiện cuộc đảo chánh Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cho nên khi nói về Tướng Dương Văn Minh, cả hai chúng tôi đều cảm thấy không hứng thú gì, nhưng anh chị Nguyễn Văn Binh thì lại khác, nếu không muốn nói là ngược lại. Tôi không rõ tình cảm, quan hệ của họ ra sao, nhưng quả thật anh chị Binh rất tán thành và ủng hộ Tướng Dương Văn Minh, cho dù anh Binh là người Công Giáo và được hưởng đặc ân của bà Ngô Đình Nhu theo như anh thường tâm sự với tôi mỗi khi hai anh em nhàn rỗi...
        Mặc dù ông Đỗ Sinh Tứ đang bận rộn cho việc bán và dọn nhà. Ông Tứ sáng nào cũng ghé nhà anh Binh ăn sáng với anh em chúng tôi, có khi cả buổi chiều nữa, qua đó để nắm bắt diễn biến tình hình... Sáng hôm nay trong bữa ăn sáng cũng vậy, mặc cho anh chị Binh thao thao bất tuyệt bàn về chuyện Đại Tướng Minh nhất định khăng khăng không chịu ra lãnh trách nhiệm nữa, bất kể bao nhiêu người đến thuyết phục. Ông Đỗ Sinh Tứ tay vẫn cầm quyển sách tiếng Pháp, miệng cứ lẩm bẩm đọc, rồi bất chợt lại nói cho mọi người biết là theo bí mật Fatima, sắp sửa sẽ có hiện tượng tối thui 3 ngày 3 đêm, đó là điềm sắp tận thế... mọi người phải dọn mình ăn năn sám hối...
        Ông Đỗ Sinh Tứ, anh Nguyễn Văn Binh và tôi. Cả ba anh em, một già, một xồn xồn và một trẻ đã tự hứa với nhau là, nếu có một việc gì quan trọng mà cần phải đi đến một quyết định, trong trường hợp nếu vắng một người mà hai người kia đã cùng quyết định thì người thứ ba vắng mặt cũng phải chấp nhận. Đó là lý do tại sao tôi phải đồng ý tham dự cuộc đảo chánh Cố TT Nguyễn Văn Thiệu vào đầu tháng 4 năm 1975. Hai vị này đã quyết định vào buổi họp ban tối khi tôi trở về nhà thăm vợ con sau một tuần lễ vắng nhà mà vợ vừa mới sinh được hai tuần.
        Ăn sáng xong, má anh Binh đi vào phòng nghỉ, phòng ăn còn lại chỉ còn 3 anh em chúng tôi và chị Binh. Anh Binh bắt đầu câu chuyện một cách nghiêm nghị: "Như cuộc họp tối hôm kia (22-04-1975) tại nhà Đại Tướng, Trung Tướng Trần Văn Đôn đã trình bày về khả năng tái phối trí quân đội, tình trạng các kho dự trữ vũ khí của mình... và tình hình hàng chục sư đoàn CSBV đang bao vây Sàigòn, cũng như mấy chục ngàn quả pháo 130 ly, 222 ly mà chúng đang chĩa vào thành phố mà anh em đã biết. Đó là lý do chính mà Đại Tướng sợ không dám nhận nữa. Đêm hôm qua, Đại Tướng cho biết: Đại Sứ Mérillon của Pháp cho biết là Ngoại Trưởng Sullivan của Ông ta vừa mới điện cho biết là phía bên kia họ chỉ chịu thương thuyết hay nói chuyện với chính phủ không phải là của Nguyễn Văn Thiệu, mà cụ Hương thì họ không chịu, vì chúng cho rằng đó là chính phủ không Thiệu mà có Thiệu. Ông Mérillon nói rằng họ ám chỉ là họ chỉ thương thuyết với Đại Tướng thôi và yêu cầu Đại Tướng ra nhận trách nhiệm, nhưng mà Đại Tướng thì nhất định không nhận nữa..."
        Ông Đỗ Sinh Tứ nói ngay: "Tôi không tin được mấy thằng cộng sản, bọn chúng chỉ lươn lẹo rồi đánh lừa thôi. Không có thương thuyết hay hội họp gì đâu, ai lên rồi thì chúng cũng sẽ đánh đến cùng thôi. Đừng có bao giờ tin mấy thằng cộng sản."
        "Nhưng bây giờ mình phải có cách chớ. Nếu cứ để như thế này dù Cụ Hương có hô hào tử thủ đến cùng thì có còn gì đâu để mà đánh, quân đội, súng đạn và sự hỗn loạn của dân đang kéo về thành phố? Cuối cùng thì thành phố Sàigòn cũng tan nát và dân chúng cũng sẽ chết và CS nó vẫn chiếm được... Thà rằng chúng ta thuyết phục Đại Tướng ra nhận trách nhiệm, hy vọng nếu chúng chấp nhận nói chuyện, thương thuyết thì mình cũng có thể kéo dài thời gian được vài ba tuần hay một hai tháng để tái phố trí hay hay về Miền Tây tử thủ..." Anh Binh nói.
        "Không bao giờ thằng cộng sản nó họp hành hay thương thuyết gì với chúng ta đâu khi chúng đang ở thế thượng phong, anh em cứ tin tôi đi." Ông Tứ nhấn mạnh.
        "Nhưng dù sao Đại Tướng đứng ra cũng còn có một chút hy vọng, còn hơn là không còn gì cả.." Anh Binh cố tuyết phục tiếp.
        Ông Đỗ Sinh Tứ ậm ự rồi thủng thẳng nói: "Thì... cũng không biết làm sao bây giờ? Mà Ông Minh Ông ấy cũng khôn đấy, đâu có ai dại gì mà ra ôm lúc này?
        Anh Binh nghe thấy ông Tứ có vẻ dịu giọng như vậy liền nói tiếp: "Rất nhiều người đã đến thuyết phục Đại Tướng, các đảng phái, tôn giáo, dân biểu, nghị sĩ... nhưng Đại Tướng nhất định không chịu nữa. Anh em họ nói với tui là chỉ có chú Toàn, chú Toàn nói may ra Đại Tướng nghe, anh em họ nói rằng Đại Tướng chỉ nghe chú Toàn thôi, tui đề nghị chú Toàn đến thuyết phục Đại Tướng chắc chắn là Đại Tướng nghe thôi.."
        Chị Binh nghe vậy liền nhảy vào góp ý: "Đúng đấy, anh em họ nói chỉ có chú Toàn nói may ra Đại Tướng mới nghe, chị đề nghị chú Toàn nên nói gặp và chuyện với Đại Tướng đi."
        Tôi ngồi im lặng một lát rồi nói: "Làm sao mà các anh chị lại tin là em có thể thuyết phục được Đại Tướng?"
        Bỗng ông Đỗ Sinh Tứ nói: "Ừ... thì Toàn em cứ thử nói chuyện với Đại Tướng xem sao? May ra có gỡ gạc được gì chăng? Chứ cứ như tôi thì chẳng còn gì cả mà hy vọng..."
        Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói: "Các anh cho em suy nghĩ một chút, vẫn đề này khó khăn quá, nó vượt quá khả năng của em."
        "Anh em họ tin là chú Toàn nói Đại Tướng sẽ nghe, anh cũng tin như vậy." Anh Binh nói. Chị Binh nhảy vào nói tiếp: "Thực đó chú Toàn, chị cũng tin như vậy. Em cố gắng gặp và nói chuyện với Đại tướng đi... tình hình nguy ngập lắm rồi..."
        "Xin cho em thời gian suy nghĩ”. Tôi thong thả trả lời.
        Sau đó ông Đỗ Sinh Tứ ra về, anh Binh nói: "Anh vào gặp Đại Tướng một chút, Toàn ở nhà suy nghĩ đi, anh vô trong đó rồi về ngay."
        Thế là cả hai vị đều ra đi, còn lại tôi và chị Binh, chị cố thuyết phục tôi thêm một hồi nữa rồi cũng đi luôn. Trở vào phòng nằm suy nghĩ: bây giờ mà chạy xe đến gặp anh Tuyến (Bác sĩ Trần Kim Tuyến) thì không biết đến bao giờ mới quay trở lại được. Do dự, tính toán một lúc, sau đó tôi vội điện thoại cho cụ Trương Vĩnh Lễ, hỏi thăm tình hình lúc này ra sao rồi thì cụ cho biết: "Toàn không có gì mà phải lo, chính phủ Pháp họ ra lệnh cho kiều dân của họ không có phải di tản gì hết, toàn bộ tài sản của chính phủ Pháp đã giao cho tôi quản lý, không có gì đâu mà Toàn phải lo..."
        Tôi hỏi về giải pháp Dương Văn Minh thì Cụ nói rằng: "Người Pháp đang đứng ra vận động để đi đến thương thuyết và ngưng bắn, thì Đại Tướng Minh có lên thì cũng đúng thôi".
        Nói chuyện với cụ Trương Vĩnh Lễ xong, tôi quyết định tham khảo ý kiến anh Tuyến qua điện thoại nhà của anh Binh, vì cả nhà đều đi vắng hết chỉ còn má anh Binh là ở trong phòng. Tôi xuống nhà ăn dùng điện thoại tại đây. Sau khi nghe anh Tuyến cho biết về tình hình vô cùng nguy ngập, anh yêu cầu tôi phải lo đi gấp kẻo không kịp. Tôi nói tôi chưa thấy cần phải đi ngay bây giờ và trình bày cho anh Tuyến biết về tình hình hiện tại bên Đại Tướng Dương Văn Minh, cũng như những yêu cầu mà anh em họ đề nghị tôi giúp. Anh Tuyến nói: "Không còn gì nữa, em phải đi ngay với Cha Trần Văn Khoát ra Phú Quốc trước đi, Cha Khoát sẽ lo phương tiện cho em và vợ con ra đó trước..."
        "Thế còn đề nghị của anh em nhờ em vô gặp tướng Minh?" Tôi hỏi.
        Suy nghĩ một lúc rồi anh Tuyến nói: "Không còn gì nữa đâu em! Còn... em muốn thử thì cứ thử xem sao? Chứ anh thấy là mọi chuyện đã xong hết rồi, đi ngay đi kẻo không kịp, không còn hy vọng gì đâu!"
        Đang khi tôi mải mê nói chuyện với anh Tuyến như vậy thì anh Binh bất thình lình đã về nhà từ bao giờ và đang đứng ở sau lưng tôi nghe tôi nói chuyện với anh Tuyến. Tôi không hiểu anh Binh đã về lúc nào và đã nghe được những gì tôi trao đổi với anh Tuyến? Bỗng tôi nghe anh Binh hỏi sau khi tôi cúp điện thoại: "Bộ em nói chuyện với Bác Sĩ Trần Kim Tuyến hả? Em quen Bác Sĩ Tuyến hả?"
Nghe anh Binh bất thình lình hỏi làm tôi giật mình, thơ thẩn đến mất hồn, như kẻ ăn vụng bị bắt quả tang, rồi tôi vội vã trả lời: "Dạ..."
        Anh Binh nhìn tôi với cặp mắt khó chịu và có vẻ nghi ngờ. Lát sau anh lấy lại bình tĩnh rồi lại hỏi: "Em suy nghĩ xong chưa? Anh em nói với anh là cố thuyết phục em giúp cho, ai ai cũng cho rằng chỉ có em nói Đại Tướng mới nghe thôi. Em ráng giúp đi Toàn, không còn thời gian nữa..."
        Tôi đứng suy nghĩ không biết phải trả lời như thế nào. Lời anh Tuyến cứ văng vẳng bên tai là phải đi gấp thôi, rồi cảnh Cha Khoát đến đón gia đình tôi mà không có tôi ở nhà thì làm sao vợ con tôi dám ra đi. Phân vân do dự không biết phải làm sao. Bỗng tôi hỏi lại anh Binh: "Anh còn nhớ hôm rồi khi ông Đỗ Sinh Tứ hỏi ông Mérillon nếu Cộng Sản nó nuốt lời hứa và cứ tiếp tục tấn công thì nước Pháp sẽ làm gì không?
        Anh Binh vội trả lời: "Anh nhớ chứ, ông Mérillon nói Nước Pháp sẽ can thiệp... Thôi em ráng giúp anh em đi."
        Bị anh Binh hối thúc và năn nỉ, cuối cùng tôi nói: "Được, em đồng ý nhưng có điều kiện."
        "Điều kiện gì em cứ nói, điều kiện làm được anh làm ngay." Anh Binh vội trả lời.
        "Điều kiện của em cũng dễ thôi, em yêu cầu cho em đem theo hai người bạn để nó đi theo làm chứng cho cuộc nói chuyện của em hôm nay." Tôi nói.
        Anh Binh vội trả lời: "Được, mấy người cũng được chứ đừng nói chi có hai người. Vậy hai người bạn của em ở đâu anh đến đó đón ngay?"
        "Không sao, một người ở dòng Chúa Cứu Thế, tên Trần Công Thạch, một người ở dòng Phanxico, cầu Dakao. Để em gọi điện thoại cho họ đến cũng được. Vậy mấy giờ mình có mặt?" Tôi trả lời.
        "Để anh gọi điện trình cho Đại Tướng rồi anh nói cho em hay ngay" Anh Binh vội trả lời.
        Thế rồi anh quay ra gọi điện thoại cho Đại Tướng Minh. Nói chuyện xong anh quay qua nói với tôi: "Khoảng 1 giờ hay hơn một chút được không Toàn?"
        "Dạ được". Tôi trả lời.
        Lúc này là khoảng 11 giờ sáng ngày 24 tháng 4. Tôi gọi điện thoại cho 2 người bạn và nói rằng hai anh đến nhà anh Nguyễn Văn Binh để cùng đi với tôi đến gặp một người rất quan trọng, đến rồi tôi sẽ cho biết sau. Phải đến khoảng gần 12 giờ hai anh bạn tôi mới đến. Chúng tôi mời vào nhà, anh Binh trình bày cho hai anh nghe về tình hình đang diễn biến vô cùng phức tạp và nguy ngập: "Bây giờ không còn cách nào khác là thuyết phục Đại Tướng Minh đứng ra nhận trách nhiệm, hy vọng còn câu giờ được chút nào hay chút ấy. Anh em có nhờ anh nói chú Toàn vào thuyết phục Đại tướng, chú Toàn đề nghị phải có hai em cùng đi chú ấy mới chịu đi."
        "Nhưng tụi em đâu có biết nói như thế nào". Trần Công Thạch nói.
        "Không sao! Hai ông cứ đi với tôi, hai ông không phải nói gì hết, cứ ngồi nghe tôi nói cũng được, hoặc sau đó muốn nói thêm vào cũng được. Tôi cần hai ông đi với tôi để làm chứng cho cuộc nói chuyện của chúng ta thôi, đây là một cuộc nói chuyện lịch sử." Tôi nói tiếp.
        "Được, nếu anh Toàn nói vậy thì tụi tôi sẵn sàng thôi. Bao giờ thì đi?" Trần công Thạch hỏi.
        "Anh có hẹn với Đại Tướng vào khoảng 1 giờ." Anh Binh trả lời.
        Ngồi nói chuyện một chút rồi anh Binh kêu chúng tôi chuẩn bị ra xe đi. Chúng tôi đến Dinh Hoa Lan khoảng gần 1 giờ trưa, phải khó khăn lắm chiếc xe mới đi vào được sân, vì người ta trải chiếu, tấm nylon nằm chật ních hai bên lề của đường đi vào cửa sau. Vừa đến sân, tôi nhìn thấy Tướng Nguyễn Khắc Bình mặc bộ đồ rằn ri, hai tay đang khoanh tròn trước ngực đang đi đi lại lại quanh sân. Tôi vội hỏi anh Binh: "Ông Tướng Bình vô đây làm gì vậy anh?"
        "Thì em biết rồi đó, chắc là ông đó vô xin Đại Tướng, nếu có gì thì cho ông ấy tiếp tục làm Tư Lệnh Cảnh Sát." Anh Binh trả lời.
        Đậu xe xong, anh Binh dẫn chúng tôi vào đứng chờ ở cửa ngoài phòng khách, dặn chúng tôi ở đây để anh ấy vào trình Đại Tướng. Vừa mở cửa bước vào, tôi nghe anh Binh nói: "Chào Đại Tướng, chú Toàn và hai người bạn của chú Toàn đã đến."
        "Mời mấy ẻm vô." Tướng Minh nói.
        Thì ra Tướng Minh đang ngồi sẵn ngoài phòng khách chờ chúng tôi. Anh Binh vội đi ra nói: "Đại Tướng mời các em vào."
        "Dạ." Chúng tôi trả lời.
        Chúng tôi vừa bước vào phòng khách thì đã thấy Đại Tướng đang ngồi ở ghế phía bên trái, ông vội đứng dậy đi ra bắt tay chúng tôi. Tôi chào Đại Tướng và lần lượt giới thiệu hai người bạn của tôi với Đại Tướng. Đại Tướng mời chúng tôi ngồi và nhìn tôi rồi hỏi ngay: "Sao? Hôm nay em muốn nói gì với "Goa"?"
        "Tình hình bây giờ ra sao rồi Đại tướng? Sao mấy hôm rồi Đại Tướng vận động mọi người ủng hộ Đại Tướng, bây giờ Đại Tướng lại thôi không chịu nhận nữa là thế nào?" Tôi hỏi.
        Đại Tướng trầm ngâm suy nghĩ, cúi đầu xuống một lúc rồi nói: "Em thấy đó, tối hổm Trung Tướng Đôn đã trình bày cho chúng ta biết về tình hình quân đội, về khả năng tái phối của quân đội... quân của mình hầu như tan hàng hết rồi, không thể nào có thể tái phối trí được nữa, quân tản mạn, phân tán khắp nơi, còn các kho vũ khí, súng đạn của mình trên nguyên tắc là dự trữ từ 3 đến 6 tháng, nay cũng không còn kiểm soát được nữa. Cả chục sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt đang áp sát Sàigòn, hàng chục ngàn hỏa tiễn 130 ly và 222 ly đang sẵn sàng bắn vào đây. Ngay cả chủ quyền tối thiểu của mình cũng không còn, phi trường Tân Sơn Nhất người Mỹ họ ra vào tự do, muốn đưa ai đi thì đưa, họ dùng đoàn xe MP và Thủy Quân Lục Chiến mở đường để đưa người của họ vào, Quân Cảnh mình có chặn lại cũng bị MP và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ lên đạn uy hiếp nên đành phải để cho họ đi... Tình hình như vậy em bảo làm sao mà "Goa" dám nhận nữa? Vậy em nghĩ sao?"
        "Thế Đại Tướng có thương nước không? Tôi hỏi.
        "Tại sao em lại hỏi "Goa" như vậy? "Goa" phải thương chứ!" Đại Tướng trả lời.
        "Đại Tướng có thương dân không Đại Tướng? Tôi hỏi tiếp.
        "Goa" phải thương chứ em! Sao em cứ lại hỏi "Goa" như vậy?" Đại Tướng trả lời.
        "Nếu Đại Tướng thương nước thương dân thì Đại Tướng phải biết hy sinh chứ? Nếu bây giờ Đại Tướng nói tình hình nó nguy hiểm như thế, nó khó khăn như vậy mà Đại Tướng không nhận nữa... thì Đại Tướng đâu có thương dân thương nước, Đại Tướng đâu có phải vì dân, vì nước... mà Đại tướng chỉ vì Đại Tướng... còn nếu nó ngon lành mà Đại Tướng nhận thì có còn gì để nói..." Tôi nói lại.
        "Người Mỹ họ đã khép lại chiến tranh Việt Nam rồi. Ông Mérillon mặc dù có hứa là nước Pháp sẽ giúp làm trung gian để có một cuộc thương lượng... nhưng mình không còn gì hết em ạ”. Đại Tướng thong thả nói tiếp.
        "Thưa Đại Tướng, Đại Tướng phải nghĩ lại, "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", dù Đại Tướng có là Tổng Thống đi nữa thì dân phải là trên hết, rồi mới đến đất nước, và cuối cùng mới là Đại Tướng, là Tổng Thống hay là Vua. Bây giờ nếu Đại Tướng cho rằng không ăn được cái gì nữa cả, không làm được cái gì nữa cả cho nên Đại Tướng không nhận, như vậy đâu có cái gì chứng minh là Đại Tướng thương dân thương nước hay Đại Tướng vì dân vì nước... Bây giờ nếu còn có một tia hy vọng nào đó mà có thể thương thuyết được với phía bên kia để mà kéo dài thời gian ra, dù là được một hai tháng hay một hai tuần thì càng tốt, còn nếu lâu hơn thì lại càng tốt hơn nữa... nếu Đại Tướng thương dân, thương nước như Đại Tướng nói thì Đại Tướng phải chấp nhận hy sinh để có thể nói chuyện được với phia bên kia, để thương thuyết, để kéo dài dù chỉ là vài tuần hay thậm chí vài ba ngày. Trong thời gian vài ngày hay vài tuần đó chúng ta cũng có thể chỉnh đốn lại quân đội, tái phối trí lại những cánh quân đang bị tản mát... còn hơn là chúng ta cứ để như thế này, cuối cùng rồi chúng ta cũng mất, mà Sàigòn thì tan nát và dân chúng thì chết chóc..."
        Tôi thuyết phục Đại Tướng cả gần tiếng đồng hồ như vậy, hai anh bạn tôi cũng nói thêm vào. Cuối cùng Đại Tướng nhìn thẳng vào tôi và nói: "Bây giờ em nói sao? Em nói "Goa" phải ôm, nó là cái vạc dầu đang sôi, em biểu "Goa" ôm, "Goa" ôm rồi "Goa" chết một mình sao?"
        "Thưa Đại Tướng, nếu vì dân vì nước mà phải chết thì cũng đành chấp nhận thôi. Còn nếu chết mà không phải vì dân vì nước thì đâu có gì để nói nữa." Tôi cũng nhìn thẳng vào Đại Tướng mà nói. 
Nghe tôi nói vậy, Đại Tướng ngồi thẩn người ra, nhìn xuống đất và im lặng. Một trong hai anh bạn tôi lại nói thêm vào: "Thôi Đại Tướng ạ, Đại Tướng nên hy sinh thôi Đại Tướng, Đại Tướng nhận may ra còn có cơ hội, chứ tình hình như thế này thì không còn tí hy vọng nào cả. Đại Tướng nhận, may ra ông Mérillon và nước Pháp họ còn có thể giúp được gì như họ đã hứa với Đại Tướng, hy vọng sẽ có thể thương thuyết, như vậy còn có thể kéo dài được vài ba ngày vài ba tuần... Như thế thì chúng ta còn có thời gian để chấn chỉnh lại hay tái phối trí lại quân đội.."
        "Nhưng nếu mà không thương thuyết được, tụi nó đánh tới luôn thì các em biểu "Goa" phải làm sao? Đại Tướng hỏi lại.
        "Thì mình phải chấp nhận hy sinh thôi chứ Đại Tướng, mình đâu còn con đường nào khác bây giờ, bây giờ mình còn nước mình phải tát... và cái quan trọng nhất là làm thế nào để thành phố này không bị tan nát và dân Sàigòn này không phải chết đã... Bây giờ Đại Tướng không nhận mình cũng chết, cho nên chỉ còn cách là Đại Tướng cứ nhận đi, bây giờ họ không chịu nói chuyện với ai cả... họ chỉ chấp nhận nói chuyện với Đại Tướng. Đại Tướng là người duy nhất mà họ có thể nói chuyện, còn nếu họ nuốt lời hứa mà không có nói chuyện hay thương thuyết gì cả thì mình cũng đành chịu thôi." Tôi nói.
        Đại Tướng lại nói lại: "Nó là cái vạc dầu đang sôi, vậy mà em biểu "Goa" ôm, "Goa" ôm rồi "Goa" chết một mình sao em?"
        "Nếu phải chết để dân mình được sống, để thành phố này không tan nát thì chúng ta chấp nhận cái chết đó Đại Tướng ạ." Tôi nói.
        Đại Tướng ngồi im lặng suy nghĩ một lúc rồi ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: "Nếu "Goa" nhận em ủng hộ "Goa"?"
        "Em sẵn sàng ủng hộ Đại Tướng". Tôi trả lời.
        "Nếu em ủng hộ "Goa" thì em ra văn phòng báo chí em họp báo tuyên bố ủng hộ "Goa" đi". Đại Tướng nói.
        "Em sẽ làm điều đó cho Đại Tướng." Tôi trả lời.
        Thế là cả ba anh em chúng tôi đứng dậy từ giã, Đại Tướng đứng dậy một tay thì bắt tay tôi, một tay thì vỗ vai tôi nói: "Em hứa em ủng hộ "Goa" thì em cũng phải làm chứng cho "Goa" nhe!"
        Tôi vội trả lời: "Chúng em sẽ làm chứng cho Đại Tướng, cả ba đứa tụi em sẽ làm chứng cho Đại Tướng mà... Đó là lý do tại sao em nói với anh Nguyễn Văn Binh là khi em vô nói chuyện với Đại Tướng phải cho em đem theo hai người bạn của em, để họ còn làm chứng nữa chứ."
        Tôi trả lời Đại Tướng như vậy, Đại Tướng nhìn tôi và khẽ cười, đây là lần đầu tiên tôi thấy ông ấy cười kể từ khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện đến bây giờ. Sau đó Đại Tướng đưa chúng tôi ra sân và cựu Dân biểu Dương Văn Ba mời chúng tôi ra Văn Phòng Báo Chí để tổ chức cuộc họp báo. Tại Văn Phòng Báo Chí hầu như chẳng có ký giả nào của các báo Việt ngữ, bởi vì vào giờ này hầu hết báo chí Việt ngữ, các cơ quan thông tấn, báo chí và đài truyền hình ngoại quốc đều đã kéo qua giáo xứ Lộc Hưng, Chí Hòa để theo dõi buổi meeting của Cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ với bà con tại hạt Chí Hoà. Ngó trước ngó sau, chúng tôi chỉ thấy có ông Hồng Sơn Đông, chủ nhiệm báo Điện Tín và chị Trùng Dương, chủ nhiện báo Sóng Thần... Trước mặt chúng tôi hầu như toàn là các nhà báo Pháp. Cả ba anh em chúng tôi đều không rành tiếng Pháp, tôi vội nói với cựu dân biểu Dương Văn Ba là tụi tôi không rành tiếng Pháp xin anh thông dịch dùm, anh Dương Văn Ba vui vẻ nhận lời ngay.
        Mở đầu cuộc họp báo, anh Dương Văn Ba giới thiệu chúng tôi với báo chí và thông báo là chúng tôi vừa có cuộc tiếp xúc với Đại Tướng Dương Văn Minh cách đây mươi phút. Chúng tôi là những người trẻ đến vận động Đại Tướng hãy can đảm đứng ra gánh vác trách nhiệm trước lịch sử và đã được Đại Tưóng nhận lời.
        Các kỷ giả của Pháp đặt khá nhiều câu hỏi, nhưng có vài câu quan trọng nhất là: "Các ông có biết là Sàigòn đang bị bao vây và sẽ bị tấn công bất cứ lúc nào không?"
        "Chúng tôi biết rất rõ về tình hình hiện tại". Tôi trả lời.
        Một ký giả khác lại đạt câu hỏi: "Các ông căn cứ vào đâu và có hy vọng gì ở Đại Tướng Minh khi ủng hộ và yêu cầu Đại Tướng ra lãnh trách nhiệm?"
        "Chúng tôi không còn con đường nào khác." Tu sĩ Trần Công Thạch trả lời.
        Một người khác lại hỏi: "Trong trường hợp phía Cộng Sản họ không thương thuyết mà chỉ có tấn công thì lúc đó các ông làm gì? Các ông tiếp tục chiến đấu hay bỏ chạy?"
        "Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho dù khi ấy chỉ còn một mình tôi." Tôi trả lời.
        Cuộc họp báo diễn ra rất ngắn ngủi, chỉ chừng chưa đầy ba mươi phút. Sau đó chúng tôi tuyên bố chấm dứt và lên xe ra về. Từ hôm đó, chiều nào tôi cũng vào nhà Tướng Minh với anh Nguyễn Văn Binh cho đến tối, thậm chí có hôm tới khuya, một hai giờ sáng mới ra về.
        Đến trưa ngày 28 tháng 4, anh Binh chạy về nhà nói với tôi: "Đại Tướng nói anh về chở em vào trong Dinh Độc Lập với Đại Tướng."
        "Em không vô trong ấy làm gì anh ạ, cứ để Đại Tướng và các anh làm việc đi, đã có anh ở bên cạnh rồi, có gì anh em mình thông báo và trao đổi với nhau." Tôi trả lời.
        Hôm đó anh Binh gọi điện thoại về nhà đòi đón tôi tổng cộng là ba lần, nhưng tôi từ chối nhất định không chịu vào. Từ trưa hôm ấy, anh Binh ở lại trong Dinh Độc Lập. Ngày hôm sau anh chỉ về thăm nhà, gặp tôi và ông Đỗ Sinh tứ một lần rồi lại vào trong đó ở cho đến khi cộng quân chiếm Dinh Độc Lập và bắt giữ toàn bộ mọi người đang ở trong Dinh: Từ Đại Tướng Dương Văn Minh, Nghị Sĩ Nguyễn Văn Huyền, Luật sư Vũ Văn Mẫu, Dân biểu Hồ Văn Minh, Lý Quí Chung, Nguyễn Văn Binh...
        Khoảng ba bốn ngày sau, anh Binh được thả ra từ Dinh Độc Lập. Về đến nhà anh kể cho tôi, ông Đỗ Sinh Tứ, má anh và chị Binh nghe về mấy ngày bị bắt ở trong Dinh Độc Lập như thế nào. Từ việc ai viết bài cho Đại Tướng đọc trên đài phát thanh, việc tụi cộng sản nó bắt tất cả phải đứng úp mặt vào tường, giơ tay lên và đếm số liên tục, từ Đại Tướng Dương Văn Minh là số 1 đến thứ mười mấy, rồi lại bắt đầu từ Đại Tướng... Cảnh bội đội cộng sản hoạnh họe, lên đạn khi chúng phát giác ra xe thu hình của đài truyền hình số 9 đang chĩa ống thu hình vào trong dinh, mà chúng cho là giờ này còn ngoan cố, tiếp tục chĩa súng điện tử vào Dinh Độc Lập. Rồi cảnh tổng đài điện thoại mấy trăm đường line tiếp tục chớp đèn, cũng như ở khắp nơi gọi về... kêu inh ỏi mà chúng cho rằng vẫn còn ngoan cố liên lạc để kêu tiếp viện... nhiều chuyện bi thương cười ra nước mắt vào giờ phút đen tối nhất của lịch sử.
        Khi ra tới hải ngoại, tôi có ý định đi tìm Đại Tướng thăm hỏi, nhưng nghe nói Đại Tướng ở bên Pháp và muốn xa tránh tất cả mọi người, tôi cũng không tìm đâu ra địa chỉ để đi. Khi nghe tin Đại Tướng qua đời thì mới biết là Đại Tướng đã qua Mỹ ở. Tôi muốn gặp Đại Tướng để hỏi thêm một số việc và giải thích tại sao Đại Tướng kêu tôi vào mà tôi không vào, và nếu tôi vào thì trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó tôi có giúp gì được Đại Tướng được hay không? Khuyên Đại Tướng tự sát thì chắc chắn tôi không làm được vì tôi là người Công Giáo, không được khuyến khích ai tự tử. Còn nếu bảo Đại Tướng chạy về miền Tây liệu lúc ấy chúng ta còn có thể làm được như vậy không? Nhất là tôi có đủ bản lãnh để thuyết phục được Luật sư Vũ Văn Mẫu, Dân biểu Lý Quí Chung... rồi tên tướng cộng sản nằm vùng Nguyễn Hữu Hạnh nữa, hắn có để cho chúng ta làm như vậy không? Trong khi đó vào những giờ phút cuối, tình hình đã vô cùng phức tạp. Mời quí vị theo dõi vài trích đoạn về bài viết của Hoàng Khởi Phong nói về: "Trận đánh cuối cùng cùng của Hổ Xám LĐ 81 - Biệt Cách Nhảy Dù" để có một cái nhìn thực tế vào thời điểm đen tối đó:

         ... "Đêm 26 Tháng Tư qua đi trong yên tĩnh, trọn buổi sáng 27, Thiếu Tá Phạm Châu Tài lo bố trí quân tại những địa điểm cần thiết, để có thể chận đánh, tiêu diệt những chiến xa mở đường của địch quân. Sau khi rải quân xong, Thiếu Tá Phạm Châu Tài được lệnh lên trình diện Trung TướngNguyễn Văn Minh Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Độ. Từ cổng ngoài của Biệt Khu Thủ Đô, một chiếc xe tuần tiễu Quân Cảnh dẫn đường cho xe của Thiếu Tá Tài đến văn phòng của ông tư lệnh. Trong lúc này Tướng Nguyễn Văn Minh đang bàn thảo với Tướng Đỗ Kiến Nhiễu, chung quanh hai vị tướng này có vài đại tá. Nhìn thấy Thiếu Tá Tài đi cùng người lính Quân Cảnh, tướng Minh đứng dậy tiến hẳn ra bắt tay rất niềm nở, và nói với Thiếu Tá Tài: "Em về đúng lúc lắm". Sau một cuộc tiếp xúc ngắn không đầy mười phút, Tướng Minh yêu cầu Thiếu Tá Tài qua thăm phối hợp với Đại Tá Châu Văn Tiên - Tỉnh Trưởng Gia Định. Nhiều năm sau này Thiếu Tá Tài được biết, ngay sau buổi hội kiến ngắn ngủi đó (ngày 27 Tháng Tư), Trung Tướng Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô biến mất". 
.... 
        Trong buổi sáng 28 Tháng Tư tại Bộ Tổng Tham Mưu, văn phòng của Đại Tướng Cao Văn Viên trống trơn. Các phòng, ban của Bộ Tổng Tham Mưu chỉ vài tháng trước nhộn nhịp kẻ ra người vào, quân nhân các cấp ra vào áo quần thẳng tắp, giờ đây sáng ngày 28, Thiếu Tá Phạm Châu Tài thấy cơ quan đầu não của Quân Lực VNCH vắng lặng như tờ. Ông chua chát nhận chân được thế nào là một đoàn quân không có tướng cầm đầu. Ông nghiệm lại từ lúc về trình diện tăng phái về trấn cửa cho Bộ Tổng Tham Mưu, được Đại Tá Tòng - Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh, tiếp vào lúc xế chiều của ngày 26 Tháng Tư, tới bây giờ là 10 giờ sáng của ngày 28 Tháng Tư, chưa một lần nào Thiếu Tá Tài nhìn thấy bóng dáng ông Đại Tướng Cao Văn Viên. Không hiểu trong những giờ phút thập tử nhất sinh như thế này, ông Đại tướng ở đâu, làm gì. Ngay cả ông Đại Tá Tòng cũng biến mất không thấy tăm hơi. Trong sân Bộ Tổng Tham Mưu, quân nhân các cấp người chạy lên, kẻ chạy xuống như là những quân đèn cù. Xe Jeep, xe Dodge phun khói mờ trời đất. Nhiều chiếc xe còn kéo theo cả móc hậu, bên trong đầy đồ đạc, dụng cụ. Ai nấy đều như mê sảng.
        Trong hoàn cảnh đó, Thiếu Tá Phạm Châu Tài cho dù muốn xin một cái lệnh của cấp trên, cũng sẽ không tìm ra một sĩ quan cao cấp nào để ban hành lệnh. 
.... 
        Buổi chiều ngày 29 Tháng Tư, Tướng Vĩnh Lộc và một số tướng lãnh hội họp với nhau ngay tại phòng khánh tiết của Tổng Tham Mưu Trưởng. Buổi họp giống như một buổi tiếp tân nhiều hơn là một cuộc họp trong tình thế cực kỳ khẩn trương. Hầu như không một vị sĩ quan nào ngồi trên ghế, có tới vài chục vị đứng quây quần với nhau thành nhiều nhóm. Thiếu Tá Phạm Châu Tài được gọi lên tương kiến trong buổi họp kỳ lạ này. Cùng đi với Thiếu Tá Tài là bốn người lính cận vệ, và cả Thiếu Tá Tài ai nấy đều trang bị vũ khí khắp người. Thiếu Tá Tài được giới thiệu như là một người hùng.
        Ông ghi nhận được trong buổi họp này ngoài Trung Tướng Vĩnh Lộc, tân Tổng Tham Mưu Trưởng còn có sự hiện diện của Trung Tướng Nguyễn Hữu CóChuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, và một chuẩn tướng nữa có bảng tên là Hỷ (không có họ) và sau cùng có chừng mười mấy vị phần lớn là Đại tá. Sau khi được các sĩ quan cao cấp bắt tay khích lệ, Thiếu Tá Tài được Trung Tướng Có hỏi thăm về tình trạng đơn vị, và nhắn nhủ:
        - Em ráng giữ Bộ Tổng Tham Mưu cho tới sáng ngày mai. Ráng giữ nguyên vẹn cho tới ngày mai. Đã có giải pháp.
        Thiếu Tá Phạm Châu Tài ngửng mặt lên nhìn thẳng vào mắt các tướng lãnh trong phòng họp rồi bằng một thái độ quả quyết, một giọng nói tự tin trả lời cho Trung Tướng Nguyễn Hữu Có:
        - Tôi xin cam đoan với quý vị tướng lãnh và các vị sĩ quan trong phòng họp này, là trong đêm nay sẽ không có một con kiến, một con ruồi nào lọt được vào Bộ Tổng Tham Mưu chứ đừng nói tới một thằng VC.
        Kế đó Trung Tướng Có hỏi Thiếu Tá Tài có cần ông giúp đỡ gì không. Thiếu Tá Tài nhân đó xin rút một biệt đội của ông đang phải nằm án ngữ tại Lục Quân Công Xưởng về, để tăng cường cho quân số phòng thủ Bộ Tổng Tham Mưu, vì cả đơn vị có một ngàn người còn phải chia mất một phần tư lực lượng, bị xé quá mỏng không có được một đại đội làm tuyến phòng thủ cuối cùng trong Bộ Tổng Tham Mưu.
        Nghe vậy Trung Tướng Có bốc điện thoại gọi và cho kết quả ngay. Buổi họp cấp kỳ tại Bộ Tổng Tham Mưu diễn ra không lâu, sau khi các sĩ quan cao cấp rời khỏi phòng khánh tiết, cái không khí đìu hiu của buổi sáng lại diễn ra. Tuy nhiên buổi chiều đó biệt đội phòng thủ tại Lục Quân Công Xưởng được trả về cho Thiếu Tá Tài.
        Đêm 29 Tháng Tư súng nổ ở nhiều nơi vọng về chỗ đóng quân của Thiếu Tá Tài. Binh sĩ dưới quyền ông chạm súng lẻ tẻ với địch ở nhiều nơi, nhưng các đứa con được bung ra không bị một thiệt hại nhỏ nhoi nào. Thiếu Tá Phạm Châu Tài cảm nhận được một điều là tinh thần chiến đấu cũng như hàng ngũ của đơn vị ông vô cùng vững chãi. Cho dù trên cái vòm chỉ huy của quân đội, các ngôi sao cứ tuần tự băng trong bóng tối của trận chiến sau cùng. Ông vững lòng với binh sĩ thuộc hạ, không hề có một ổ kháng cự nào bị bỏ ngỏ. Đêm 29 Tháng Tư năm 1975, có thể là một đêm dài vô tận với hầu hết mọi người quân như dân, ai nấy đều co mình lại chờ sáng, thậm chí mắt căng ra không ngủ được, nhưng với Thiếu Tá Phạm Châu Tài thì khác, ngoại trừ những lúc phải đi kiểm soát binh sĩ dưới quyền, ngoại trừ những lúc phải chỉ huy, ông đã ngủ rất ngon trong những giờ trống. Sở dĩ Thiếu Tá Phạm Châu Tài ngủ ngon, vì ông đã xác định hẳn cho cá nhân mình cũng như toàn đơn vị một ý chí duy nhất: Giữ cho được Bộ Tổng Tham Mưu không phải chỉ một đêm nay, mà là nhiều đêm sau nếu cần, cho tới khi nào có được giải pháp cuối cùng cho miền Nam. 
.... 
        Vào khoảng hơn 9 giờ sáng của ngày 30 Tháng Tư 1975, qua tần số của máy truyền tin, Thiếu Tá Phạm Châu Tài nhận được lệnh của một sĩ quan Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu yêu cầu ngưng bắn. Ông đã khước từ tuân hành lệnh này, và trả lời cho vị sĩ quan này là ông chỉ nhận lệnh trực tiếp với ông Tổng Tham Mưu Trưởng mà thôi. Những người lính Biệt Cách Dù vẫn giữ nguyên vị trí phòng thủ trong vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu.
        Vào khoảng mười giờ, Thiếu Tá Phạm Châu Tài nghe trên đài phát thanh truyền đi lệnh của Đại Tướng Dương Văn Minh, yêu cầu tất cả quân nhân các cấp của Quân Lực VNCH buông súng. Thiếu Tá Tài bỏ phòng tuyến trở vào một văn phòng của Bộ Tổng Tham Mưu, đích thân gọi điện thoại lên Dinh Độc Lập và được Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh tự nhận là Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH. Thiếu Tá Phạm Châu Tài cho biết là bây giờ ông muốn được nói chuyện với Đại Tướng Dương Văn Minh, vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Đội.
        Khoảng chừng 15 phút chờ đợi dài như một thế kỷ, bên kia đâu dây điện thoại mới nghe giọng nói của Đại Tướng Dương Văn Minh cất lên:
      - Đại Tướng Dương Văn Minh tôi nghe.
     - Thưa đại tướng, tôi là Thiếu Tá Phạm Châu Tài đang chỉ huy Biệt Kích Dù phòng thủ Bộ Tổng Tham Mưu. Chúng tôi được ủy thác phòng thủ tại đây cho tới khi có giải pháp cuối cùng. Cách đây một giờ chúng tôi được lệnh ngưng bắn gọi qua máy siêu tần số, và vừa mới rồi được nghe lệnh của đại tướng trên đài phát thanh kêu gọi ngưng bắn. Chúng tôi xin hỏi lại cho rõ về ngưng bắn là thế nào?
        Sau một khắc ngần ngừ, Đại Tướng Minh nói:
        - Mình không còn một cái gì để đánh cả. Em chuẩn bị bàn giao cho phía bên kia.
        - Thưa đại tướng, thế có nghĩa là đầu hàng vô điều kiện.
        Đầu dây bên kia lại một phút im lặng nặng nề trôi qua, Thiếu Tá Tài nói tiếp vào điện thoại:
         - Thưa đại tướng, chúng tôi được lệnh là cố thủ tại đây, và từ sáng tới giờ chúng tôi đã ngăn chặn được các mũi tấn công của địch. Chúng tôi đã bắn cháy 6 chiếc xe tăng của CS trong khu vực này, mà không hề hấn gì cả. Thưa đại tướng, chúng ta không thể đầu hàng được. Công lao của Quân Lực VNCH trong bao nhiêu năm sẽ...
         - Tùy các em.
        - Thưa đại tướng, nếu đầu hàng đại tướng có bảo đảm cho sinh mạng của hai ngàn người đang tử thủ tại Bộ Tổng Tham Mưu không.
         Lại một phút nặng nề nữa trôi qua. Sau cùng Tướng Minh nói:
        - Xe tăng của địch quân sắp tiến vào đây. Tùy các em.
        Tôi mượn vài trích đoạn trên bài viết của Hoàng Khởi Phong về: "Trận đánh cuối cùng của Hổ Xám LĐ 81 - Biệt Cách Nhảy Dù” để kết thúc bài này.
        Nguyễn Đình Toàn

1 comment:

  1. Tôi không biết ông này nhân vật thế nào ? Nhà văn Nguyễn đình Toàn có khả năng xúi ông Minh ôm của nợ do ông Thiệu để lại trong giờ thứ 25 , như vậy người Công giáo đã yêu cầu Ông Mình nhận chức TT để cứu Sài Gòn thì cũng người Công giáo chửi ông Minh Hèn là sao?

    ReplyDelete