Thursday, June 25, 2015

Chuyến Đi Không Tên


Đáng lẽ tôi không muốn nhắc lại các vết thương lòng đã xảy ra từ lâu, vì khơi lại chỉ làm lòng tôi đau xót, nhức nhối. Nhưng việc không lên tiếng của tôi sẽ làm tôi có lỗi với những người đi trước, với các NT, anh chị em đã nằm xuống cho đất Mẹ VN.
Nhân đây tôi cũng muốn gửi một nén hương để tưởng nhớ đến công ơn dìu dắt, và nâng đỡ tôi trong thời gian đang công tác như cố Đại tá Lê Quang Tung, cố Đại Tá Lam Sơn (Phạm Đình Thứ, 1964), cố Đại tá Trần Văn Hổ (1964-1966).

Nguyễn Văn Tuyết.



Từ thuở còn học sinh tôi có người bạn tên Trần Hiếu Hòa. Ngoài học văn hóa, tôi và bạn tôi còn say mê học võ thuật. Chính vì điểm này, cả hai có cơ hội vào ngành Tình báo rất sớm, mặc dù hoàn cảnh gia đình cũng như tình trạng học vấn không bắt chúng tôi làm như vậy.

Nói đến hai chữ Tình Báo thì đa số hiểu là làm một việc gì đó có tính cách bí mật. Nhưng nếu đi vào chuyên môn, thì đây là một lãnh vực đa dạng, với mỗi cá nhân nhận những nhiệm vụ riêng biệt, từ thấp đến cao, qua mỗi lần thi hành xong một nhiệm vụ rồi trở về hậu cứ. Lần sau khi xuất phát, người đi công tác phải học lại cho phù hợp với thực tế, vì trang thiết bị và vũ khí cho mình và của địch luôn thay đổi theo thời gian. Tôi và Hoà đã tham gia các khóa học đặc biệt về Tình báo. Theo thời gian chúng tôi dần dần trưởng thành qua những lần công tác.

Sau một thời gian công tác, tôi trở về Phòng Hoạt Động của Tổng Thống Phủ (P42) còn Hòa về làm Trưởng Phòng 5 của ông Đỗ Cao Thanh.

Sau ngày 1-11-1963, tôi đã bị gọi lên thẩm vấn điều tra. May mắn thay, tôi đã được Đại tá Ngô Du gửi đi học khoá Trung Cấp Tình Báo vì biết tôi không có những liên hệ nào đặc biệt với chế độ cũ. Năm 1964, tôi được thuyên chuyển về Phòng 6 Bộ Tổng Tham Mưu.

Đến tháng 6-1964, tôi chính thức làm việc tại Phòng 6 của Sở Kỹ Thuật (đổi tên thành Sở Khai Thác Địa Hình) và được lĩnh lương sai biệt. Tôi được lệnh đưa các toán Biệt kích tới Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng. Đầu tháng 11 năm 1964, việc huấn luyện của các toán đã qua giai đoạn 2 và sẽ thực tập Nhảy dù tại Đà Lạt, sau đó theo học khóa HT 98 tại trường Truyền Tin Vũng Tàu. (Chỉ huy trưởng là Thiếu Tá Hoàng Hữu Gia.) Khi đến đây, mọi thủ tục giữ bí mật được áp dụng, các Học viên không được nói sự thật về đơn vị mình đang phục vụ để bảo toàn an ninh. Để giống mọi người, các học viên mặc Quân phục kaki vàng, và Quân phục tác chiến giống TQLC.

Mới vào Quân trường nên một số người ngoài đơn vị cũng đến làm quen và hỏi thăm vì tò mò muốn tìm hiểu. Một số khác không quan tâm. Nhưng lại có người không tin, gây sự cho là khóa sinh mới đã ăn cấp kiểu Quân phục của họ và gây lộn. Thiếu tá Hoàng Hữu Gia đã phải đưa đại đội ứng trực xuống để ổn định tình hình. Vì người bị ăn cắp đồ là Thiếu úy Kim, Khóa 11 TĐ, là cháu Trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ, nên Đại tá Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh TQLC, phải ra tận nơi để giải quyết. Sau đó Thiếu tá Gia đã bị đổi đi và Thiếu tá Vũ Duy Tạo về thay thế làm Chỉ huy trưởng trường Truyền Tin.

Vào khoảng giữa năm 1965, Trần Hiếu Hòa giới thiệu với tôi Trung úy Bình (tức Nguyễn Hữu Luyện) một Sĩ quan mới về nhậm chức tại đơn vị. Qua bạn Hòa, tôi được biết anh Luyện là người thẳng thắn, có thâm niên Quân đội, và có nhiều kinh nghiệm tác chiến. Anh Hòa và anh Luyện muốn lập các toán xâm nhập miền Bắc. Anh Luyện sẽ là Trưởng Công Tác đầu tiên đi cùng toán. Anh Hoà sẽ lo việc tuyển dụng nhân viên, sắp xếp, tổ chức theo ý của anh Luyện, và được sự chấp thuận của Trung Ương.

Việc tuyển dụng nhân viên không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong khi làm việc, tôi đã phải từ chối một người tên Nghiã vì anh này khai dối là đã đủ 18 tuổi. Hơn nữa, trong nhà đã có mấy anh lớn phục vụ trong Quân đội, và Nghiã là con út đang đi học. Theo luật thì Nghiã không phải bị động viên. Thời gian qua khi đủ 18 tuổi, anh này lại làm đơn xin gia nhập một lần nữa. Về tình tôi đã xiêu lòng, nhưng về lý buộc tôi phải hỏi cha mẹ anh có đồng ý hay không ? Một khi tin không lành đến nhà thì gia đình họ sẽ có đủ lý do để bắt lỗi tôi. Vả lại, tôi cũng đã bị phiền toái nhiều lần vì cha mẹ vợ con người bị tử nạn đến ăn vạ, bắt đền. Khi được biết Nghiã đã nói dối cha mẹ là đi Cảnh sát, tôi đã từ chối thẳng.

Sau một thời gian, tôi lại nhận được đơn tình nguyện của Nghiã lần thứ ba. Lần này, Nghiã đã thuyết phục được bố mẹ của mình. Tôi đã nhận được tờ giấy "ưng thuận cho con đi lính" với chữ ký của người mẹ. Khi tôi dến để xác minh lần chót, cha mẹ Nghiã có một yêu cầu nhờ tôi giúp đỡ. Đó là tôi ở đâu thì Nghiã ở đó. Trong khi tôi còn đang chần chờ thì Nghiã đã đạp chân tôi nhiều lần ở dưới gậm bàn mong tôi chấp thuận. Tôi đã biết có nhiều người trẻ tuổi, chỉ sau một thời gian, đã nản chí không muốn phục vụ nữa. Chính vì suy nghĩ như vậy nên tôi tạm thời chấp thuận.

Đúng lúc này, anh Luyện đang tuyển dụng nhân viên. Tôi đã chuyển hết hồ sơ cho anh Luyện với một điều kiện tiên quyết là Nghiã không được xa tôi. Tôi đã sắp xếp cho Nghiã học Truyền Tin để sau này có thể hoán chuyển dễ hơn.

Tháng 10-1965, khi việc tuyển dụng tạm xong, tôi được chuyển đến Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng, Long Thành, Biên Hòa cùng anh Hòa và anh Luyện. Tại đây, khoá huấn luyện được đặt tên là Bắc Bình. (Muốn giống đội quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ.) Đại đa số tinh thần các học viên rất cao, nhưng kinh nghiệm chưa có. Để thuận tiện công tác trên lãnh thổ Lào, anh Luyện có nhờ tôi liên lạc với anh Nguyễn Mạnh Hải, một Việt Kiều từ Thái Lan về nước, đang là một Hạ sĩ quan sửa chữa vũ khí binh đoàn thuộc Trung Đoàn 12, Sư Đoàn 7. Anh Luyện đã sắp xếp tôi, Hòa, và Hải tại ban chỉ huy của toán. Mỗi toán được chia thành 4 toán nhỏ độc lập, với hơn chục người mỗi toán. Nguyễn Ngọc Lân làm Trưởng Toán A1, Hà Huy Tuấn, Trưởng Toán A2, Mai Nhuệ Anh, Trưởng Toán B1, Hoàng Đình Khả, Trưởng Toán B2.

Các khóa sinh được học chuyên môn, từ vũ khí, nhảy dù, phá hoại, chất nổ, tình báo, tâm lý chiến, bản đồ, địa bàn, đến truyền tin... Giữ lời hứa với gia đình Nghiã, tôi đã lo cho anh đủ điều, như đưa tiền cho anh ta chi tiêu lặt vặt, trong khi tôi đã giữ tiền lương tháng của Nghiã. Sau vài ba tháng khi Nghiã được đi phép, tôi đã đưa lại để anh mang về cho gia đình. Một người khác, cũng đã nhờ tôi giữ hộ lương của mình, giống như Nghiã.

Một thời gian sau, Trần Hiếu Hòa được cử đi tuyển dụng toán độc lập khác.

Tháng 5-1966, các toán Biệt kích thực tập xâm nhập trên đất địch, nhảy dù tại Đà Lạt, và được đánh giá về khả năng hoạt động độc lập. Sau khi toán được rút về trung tâm và nghỉ phép, họ đã được chuyển lên Kontum và Khâm Đức để thực tập bằng trực thăng bán phản lực. Cuối tháng 6-1966, tôi được lệnh về trình diện Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, để nhận nhiệm vụ mới. Tôi đã xin hoãn lại một thời hạn với lý do sắp xếp tình cảm với anh em, sao cho tình lý được vẹn toàn. Chính vì lẽ đó, tôi trở lại TTHL Quyết Thắng làm việc. Nơi đây, các toán đã được huấn luyện đổ bộ bằng trực thăng và thám sát đường mòn HCM. Đến trung tuần tháng 6, các toàn chuyển ra trại 6 Mỹ Khê, Đà Nẵng sẵn sàng thi hành nhiệm vụ.

Anh Luyện dự trù sẽ dẫn toán đi đợt 1. Đại úy Nguyễn Văn Vinh vốn là một trưởng công tác dày dạn kinh nghiệm chịu trách nhiệm lương bổng. Đa số thành viên trong toán 2 hăng say nhưng thiếu kinh nghiệm nên anh Luyên đã yêu cầu tôi ở lại toán này để quyết định việc xâm nhập cùng 3 toán trưởng còn lại. Chuẩn úy Đặng Đình Thúy sẽ cùng đi nhưng đến vùng công tác sẽ sắp xếp để làm cố vấn bản đồ, địa bàn cho toán B2 của anh Hoàng Đình Khả. Trong lúc chờ lên đường tại bãi Mỹ Khê, Đà Nẵng, anh Hoàng Đình Mỹ gặp tôi xin ở lại để cùng đi với toán 2 của tôi. Tôi đã thẳng thắn từ chối vì đây thuộc thẩm quyền của anh Luyện, trưởng toán.

Sau khi chia tay, toán HECTOR 1 lên đường xâm nhập vào vùng công tác vào hạ tuần tháng 6-1966. Khi nhận được công điện của Bản Văn số I có đoạn “MẶT TRỜI MỌC”, tôi được ông Vinh cho biết toán đã được thả an toàn. Trong lúc chờ lệnh lên đường, toán 2 vẫn tiếp tục thực tập tại bãi biển Mỹ Khê.

Ông Phan Trọng Sinh, đại diện Sở Liên Lạc tại Quân Đoàn I, đã đến gặp chúng tôi, yêu cầu cử một toán Biệt kích xuống Thường Đức, vì Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm không muốn xử dụng một đơn vị Lôi Hổ cho công tác đặc biệt tại vùng này. Theo nguyên tắc, khi một toán được cử đi công tác, bắt buộc phải có cố vấn người Mỹ, cùng các máy truyền tin, đi theo để sẵn sàng yểm trợ. Trung tá Cố Vấn Mỹ Simon đã không đồng ý nên kế hoạch này không thể thực hiện. Trong khi nói chuyện, ông Sinh đã hỏi tôi có đồng ý thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này ?

Biến động Phật Giáo Miền Trung đã ảnh hưởng nhiều đến tình hình an ninh QK I, cũng như hạn chế phần nào hoạt động Quân sự của ta tại đây. QĐ I muốn giải tỏa vùng Thường Đức vẫn còn bị VC chiếm đóng, nhưng Quân Báo của Sư đoàn 2 và QĐ I chưa sẵn sàng thực hiện. Chưa kể, nếu tiến hành ngay thì các đơn vị Quân Báo cũng không dễ gì hoàn thành nhiệm vụ, và khó tránh khỏi thương vong. Cũng cần thêm, Thường Đức là yết hầu của Đà Nẵng. Chừng nào Thường Đức còn bị VC chiếm đóng thì chừng đó tình hình an ninh của Đà Nẵng, nói riêng và QĐ I còn gặp nhiều nguy hiểm. Đánh giá được nhiệm vụ quan trọng này nên tôi đã đồng ý dùng toán của tôi nhảy vào khu vực do Tướng Lãm yêu cầu. Dĩ nhiên, chúng tôi phải được Trung Ương chấp thuận.

Sau khi nhận lời, tôi đã vội bay vào Sài Gòn để trình bày cùng ‘thượng cấp” về đề nghị của Tướng Lãm. Tuy nhiên, tôi lại nhận được tin không vui. Người bạn thân của tôi, Trần Hiếu Hoà, đang bị giam tại “cải hối thất” thuộc Bộ TTM vì vi phạm kỷ luật. Sau khi tìm hiểu lý do vi phạm của bạn tôi tại Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng, tôi quay lại Bộ TTM vào gặp các bạn tôi đang ở trong tù, gồm có : Trần Hiếu Hòa -Trưởng Toán T, Phạm Bá Toán - Trưởng toán KERN B, Nguyễn Văn Thái A - Toán KERN B Nguyễn Văn Sáng - Lôi Hổ - Sở Liên Lạc - Nguyễn Văn Tân (Tân Bé).

Khi trình diện “thượng cấp”, ông đã yêu cầu tôi sắp xếp công việc, rồi về nhận nhiệm vụ mới. Tôi đã xin ông cho tôi hoãn một thời gian nữa. Tôi cũng đã trình bày trường hợp vi phạm của bạn tôi và xin ông nhẹ tay.

Ông Vinh sau đó cho tôi biết, theo ý “thượng cấp”, Hoà sẽ thay tôi ở Đà Nẵng chiụ trách nhiệm toán HECTOR II, nếu không thì phải có sự đồng ý của cấp chỉ huy TTHL Quyết Thắng. Được ông Vinh phân công, tôi sẽ gặp ông Nông A Pan (Tức Võ Văn Đang), một thẩm quyền cũ của tôi tại Lào và Đà Nặng. Tôi đã cố thuyết phục ông, thậm chí còn lấy cá nhân tôi để bảo đảm cho lời nói. Sau khoảng một tiếng đồng hồ sau, tôi và ông Vinh đã gặp nhau. Ông hỏi :

- Kết quả thế nào ?

Tôi cười và nói ngay :

- Bây giờ chúng ta phải quay lại TTM.

Thú thật khi đón Hòa ra khỏi trại tù, tôi còn gặp các anh em còn lại chưa được thả. Họ cũng có ý định nhờ tôi giúp. Tôi biết là khả năng có hạn, nên tôi cảm thấy buồn khi không trả lời họ.

Khi định đáp máy bay đi Đà Nẵng thì được ông Giám Đốc hỏi chuyện về lời hứa với Thiếu tướng Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn I và về việc Trung tướng Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, gọi tôi về trình diện. Tôi đã thuyết trình về kế hoạch nhảy vào Thường Đức với ông. Tôi trình bày kế hoạch tuyển người, phương tiện máy bay để thả các toán xuống sát biên giới Lào - Việt, để toán không dùng máy liên lạc dễ bị lộ mà chỉ dùng máy định vị, thời gian xâm nhập và di chuyển khi hoàn tất nhiệm vụ, việc không yểm cho 3 bãi đất trống ở Thường Đức... Tôi cũng xin ông cho mấy anh em phạm lỗi được đoái công chuộc tội bằnh cách cho họ tham gia vào chiến dịch này.

“Thượng cấp” đã đồng ý thả 4 người, vốn đã qua huấn luyện tại trại Quyết Thắng là các anh Toán, A, Sáng, và Tân. (Như đã đề cập ở trên.)

Tôi đã ghé Hoà Cấm, lấy thêm 2 người H ‘Mông và 2 người Vân Kiều trước đây đã sống ở Thường Đức. Cả toán Biệt Kích, gồm 8 người, đã thực tập, thao dợt tại một sân bay cũ của TQLC Mỹ, và thực tập đổ bộ bằng trực thăng cả tuần lễ. Sau khi thuần thục, toán đã được thả xuống biên giới Việt - Lào vào đầu tháng 7-1966. Với vỏ bọc là người Thượng, mang theo đặc sản của núi rừng để đổi lấy muối, họ đã nói như người Thượng, mặc quần áo rách rưới, đeo những “gùi” của người Thượng với phiá trên là cá khô, thịt rừng khô nhưng dưới là máy truyền tin và súng đạn. (Cũng cần nói rõ, người Thượng ở đây đã có cuộc sống vô cùng khó khăn và nghèo khó vì chiến tranh.)

Theo dõi máy định vị, tôi biết toán đã rời bãi đáp, đang len lỏi từ sát biên giới đi dần vào vùng Thường Đức, đang thu nhặt tin tức tình báo và đánh dấu vị trí địch quân. Trong khi đó, pháo binh của TQLC Mỹ và máy bay ném bom sẵn sàng can thiệp khi cần. Khi máy định vị bị tắt bất ngờ thì cả toán sẽ là những con chốt thí. Sau 2 tuần, toán đã ra được Bãi Số 2 và dùng PCR 64 liên lạc. Tại hậu cứ Đà Nẵng, trực thăng và máy bay yểm trợ đã sẵn sàng cất cánh, bốc về. Sau khi toán vừa rời khỏi bãi đáp thì hoả lực của Không Quân và Pháo Binh đã nhịp nhàng tác xạ vào các vị trí mà máy định vị đang liên tục phát sóng. Các đơn vị Quân đội đang án binh chờ lệnh cùng tiến vào đánh đuổi VC ra nơi đây, ngay lập tức. QĐ I đã giải tỏa Thường Đức ngay ngày hôm ấy.

Toán đang nghỉ ngơi khoảng 3 ngày tại Đà Nẵng thì được Thiếu Tướng Lãm, đến tận nơi, ân thưởng huy chương cho những nguời có công. Từ đấy, dù ông cùng đoàn tuỳ tùng đi đâu, vào bất cứ lúc nào, khi thấy anh em Biệt Kích, ông đều cho xe dừng lại. Ông gọi thân mật họ là “bọn chết sống lại”, và cho ngồi chung xe quá giang. Đó là tình cảm ông dành cho anh em Biệt Kích. Chúng tôi không bao giờ quên được tình cảm của NT đã dành cho chúng tôi. Trong toán vừa thực hiện xong nhiệm vụ, 4 người đã ở QĐ I được ở lại Đà Nẵng. Bốn người đã phạm lỗi trước đó thì được tha cho về phục vụ các toán của Mỹ tại Vùng III Chiến Thuật.

Hạ tuần tháng 7 năm 1966, Trung tá Nguyễn Khắc Bình và Trung tá Hồ Văn Kỳ Thoại đã ra thanh tra và chuyển giao một số cơ sở đường biển cho đơn vị khác. Nhân dịp này, các NT muốn biết các nhận xét về hiệu quả hoạt động của các toàn và kết quả chương trình huấn luyện tại Trung Tâm Quyết Thắng. Tôi đã thẳng thắn trả lời :

- Tinh thần các khoá sinh thì cao nhưng kinh nghiệm di chuyển trong rừng núi khá yếu, thể chất không đủ dẻo dai, dễ bị đối phương theo dõi.

- Tại sao ? Ông hỏi.

- Rèn luyện thể chất ở trại Quyết Thắng kém hơn ở Nha Trang hay Đà Nẵng. Vì ở đây, chạy trên cát nên sức khoẻ các học viên rất dẻo dai và nhanh nhẹn khi di chuyển trong rừng.

Trung tá Bình gật gù tỏ vẻ đồng ý. Một thời gian sau, ông đã chuyển một số toán ra Đà Nẵng.

Cuối tháng 7-1966, qua các công điện từ vùng hoạt động của H1 (tức Nguyễn Hữu Luyện), tôi biết toán HECTOR 2 còn phải chờ một thời gian nữa trước khi được cử đi công tác. Tôi đã xin thượng cấp cho cả toán 2 về Saigon nghỉ phép và chờ lệnh xuất phát để họ yên tâm, cũng như để thân nhân họ không đặt câu hỏi là người nhà của họ ở đâu.

Tháng 8-1966, trên yêu cầu, sau khi nghỉ phép, toán 2 phải ở trong khu vực cấm chờ đi công tác. Vì thế cả toán đã đáp chuyến máy bay C123 từ Đà Nẵng về Saigon. Trong chuyến máy bay này có Trung tá Nguyễn Khắc Bình và gia đình cùng đi. Trung tá Bình chuyển về Saigon để nhậm chức Tham Mưu Trưởng Sở Kỹ Thuật lúc bấy giờ.

Toán 2 được đưa về “khu vực cấm” tại TTHL Quyết Thắng. Khi được đi phép, tôi đã cùng Nghiã về thăm cha mẹ của anh. Riêng tôi còn nhiều việc phải giải quyết, nhất là tình cảm của tôi với người tôi yêu tên Mai Thanh.

Nàng mới tốt nghiệp đại học Sư Phạm và vừa được bổ nhiệm đi Mộc Hóa, một địa phương sát biên giới với Kampuchia. Trăn trở với nỗi lòng riêng, tôi đã cùng nàng đi xem phim tại rạp Rex nhưng thực tâm tôi chẳng biết phim đang chiếu gì. Tôi đang trăn trở nhiều điều nhưng không thể nói thành lời. Tôi chỉ muốn nói cho nàng hiểu rõ tương lai bấp bênh của một người lính như tôi. Tôi đã quen nàng từ khi còn học trường trung học Trưng Vương, từ nhiều năm, trước khi nàng vào Đại học. Trong buổi gặp gỡ đó, nàng đã nói với tôi rất nhiều chuyện : về việc nàng đang dạy học, về việc tôi đang làm, và về tương lai của hai người... Nhưng tôi là người theo đạo Thiên Chúa không dám nói dối nên tôi chỉ là ậm ừ cho qua. Tôi doán là nàng đã ít nhiều hiểu lầm tình cảm của tôi dành cho nàng, nhưng tôi không biết làm sao cho phải. Cuối cùng, tôi chỉ nói với nàng,

- Sau này, nếu anh lấy vợ, người đầu tiên anh chọn sẽ làm em. Bây giờ đất nước đang thời khói lửa, anh còn có nhiệm vụ phải làm nên tạm xa em. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm anh sẽ về cùng em đi dự lễ Giáng Sinh.

Lúc chia tay, tôi thoáng thấy thái độ cam phận của nàng cùng nét mặt gượng vui không đủ che dấu nỗi buồn ẩn dấu bên trong. Khi nhớ đến bài hát “Biết Trả Lời Sao ?” của Duy Khánh, tôi mới thấy vô cùng thấm thiá. Sự mâu thuẫn giữa tình cảm tha thiết của tôi đối với nàng và một tương lai vô định, không rõ tương lai của người lính Biệt Kích khiến tôi gần như tuyệt vọng. Tôi đã cố dấu nàng qua bề ngoài bình thường, khá lãnh đạm, trong khi lòng tôi đau đớn không nguôi. Làm sao tôi có thể cho nàng biết rằng tôi đang mang một trách nhiệm lớn lao mà sự thành bại, vốn hung nhiều lành ít, chỉ tùy thuộc một phần vào sức chịu đựng của con người ? Nỗi trăn trở này không phải chỉ mới có khi gặp nàng mà đã nằm sâu trong tiềm thức mà tôi đã dấu chính tôi. Tất cả lời hứa hẹn đều vô nghiã, khi tôi không thể biết rõ tương lai đầy bất trắc của chính mình.

Qua điện thoại với “thượng cấp”, ông Vinh cũng không biết được ý định của tôi sẽ ra sao ? Tôi có trình diện nhiệm sở mới hay không ? Tôi có rời toán 2 hay không ? Vì lời hưá với cha mẹ Nghiã, tôi không đành lòng bỏ Nghiã lại một mình đi công tác mà không có tôi. Đôi lần, tôi đã đặt vấn đề với Nghiã,

- Nếu em muốn trở lại học đường, tôi sẽ cung cấp học phí cho em như lãnh lương hàng tháng tại trại. Hay là em muốn đi đơn vị khác, anh sẽ lo liệu.

Mỗi lần như thế, Nghiã chỉ ậm ừ không chịu trả lời rõ. Tôi cần quyết định về việc chọn lưạ có nên về đơn vị mới hay ở lại đơn vị cũ, nên đã ướm lời hỏi Nghiã,

- Khi anh đi thì em có buồn không ?

- Không buồn. Nghĩa tỏ vẻ tự tin trả lời.

Tôi luôn nghĩ đến cha mẹ Nghĩa tin tưởng gửi gấm cho tôi. Nếu Nghiã có mệnh hệ nào thì tôi làm sao cho ổn thỏa ? Thôi cũng đành, tôi đã làm tròn lời hứa với cha mẹ Nghiã.

Sau kỳ nghỉ phép, toán 2 đã trở lại “Khu vực cấm”, được xây cất riêng biệt với khu trại chính. Khu vực này được 4 bức tường cao ngăn cách rào dây kẽm và một cổng ra vào có Quân Cảnh gác. Trong khu cấm có một hạ sĩ quan ở ngày đêm cùng các toán viên đang chuẩn bị nhảy toán. Trong giai đoạn này, tôi cũng xin lệnh thượng cấp cho Nguyễn Minh Hùng được về lại gia đình vì tình trạng gia cảnh đặc biệt của anh, và cho Nguyễn Ngọc Việt ra làm tại thư viện của trại.

Trong lòng tôi cảm thấy đã dễ chịu vì đã giải quyết được nhiều việc cho nhân viên dưới quyền.

Giờ đây, tôi đã sẵn sàng...



Westminster, ngày 3 tháng 3 năm 2015
Nguyễn Văn Tuyết
H. 21

Friday, May 29, 2015

Làm sao để chôn hai chế độ?

Làm sao để chôn hai chế độ? Là câu hỏi đươc trả lời trong bài viết mới nhất của tác giả, 40 năm sau khi một chế độ đã bị chôn. Trần Thiện Phi Hùng là tác giả có tên trong danh sách nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2013. Tác giả cho biết ông nguyên là lính Hải Quân VNCH; tự lái tầu vượt biển năm 1982, hiện định cư tại Úc. Thư kèm bài, ông viết “Tôi vào lính năm 18 tuổi. 12 năm 4 tháng làm lính. 35 năm chưa về lại VN. Không biết, không hiểu, nên không dùng được từ ngữ mới sau 75. Hơn nửa thế kỷ mới viết lại, nên sai nhiều chính tả mong ban biên tập sửa cho. Chuyện cải tạo Vườn Đào và người tù về sớm nhất có thật 100% là tôi. Phi Hùng.

"Tượng nào cao bằng tựơng Trần Hưng Đạo
 Lính nào xạo cho bằng lính Hải Quân".

Tôi sáu năm làm lính, thêm sáu năm làm quan, binh chủng Hải Quân. Xạo là chuyện đương nhiên.

Xứ VNCH ta, Bộ Binh, Không Quân chỉ có 4 vùng chiến thuật nhưng Hải Quân có vùng 5 Duyên Hải; Phú Quốc, Côn Sơn. Như nhiều chàng lính biển khác, tôi có thừa tài xạo. Xạo như thật. Xạo với gái bán bar, xạo cả với thượng cấp, nhưng không dám xạo với gái nhà lành, vì tôi rất sợ vướng nợ giai nhân rồi dính lưới hôn nhơn. Đời lính biển đầy những chuyến hải hành dài cả tháng mà có vợ thì xác suất nuôi con của thiên hạ rất cao.

Thôi thì cứ xạo với mấy em bán bar, mấy cô chịu chơi cho đời vui cái đã rồi tính.

Cùng dòng họ Trần Thiện như tôi, có một ông Đại Tướng, 2 ông Đại Tá, mấy chục ông tá, ông uý.

Ông bà nội tôi là loại điền chủ sau khi đã bị chánh phủ VNCH mua lại bởi luật người cày có ruộng; vẫn còn 100 mẫu để canh tác và 15 mẫu ruộng hương hỏa. Cha tôi là một triệu phú có đủ thứ, villas, nhà lầu 4 tầng với mấy chục phòng cho Mỹ mướn rồi sáu bẩy căn phố. Tôi thằng con trưởng nam, vậy mà không được ai nuôi cho ăn học. Ngay khi biết mình 18 tuổi, tôi tự nguyện vào lính hải quân dù chưa nhận được lược giải cá nhân.

Làm lính chưa đầy 6 năm tôi mang lon Thượng sĩ, năm chưa tròn 24 tuổi; đi đâu cũng bị quân cảnh xét giấy tờ coi có mang lon giả hay không. Tôi chỉ mong hết 5 năm để giải ngũ, nhưng rồi chiến cuộc leo thang nên bị lệnh lưu ngũ. Sau đó, tôi đi học làm quan, thăng cấp từ chuẩn úy lên trung úy thì tự động.

Dù làm lính hay làm quan, tất ba gai không bỏ. Gái đến cầu tàu rủ rê đi chơi thì dù đang gác cũng đem súng giao cho sĩ quan trực và bỏ đi chơi 5 ngày sau mới về; vì đi 6 ngày bị cho là đào ngũ nên chiều ngày thứ 5 là tôi về trình diện và vui vẻ nói lý do là "Tại gái xuống tận cầu tàu rũ đi chơi" và vui vẻ đi tù.

Từ đầu tháng Tư 1975, ngay khi thấy chộn rộn, nhiều người tìm đường ra đi, tôi đã chọn đã chọn ở lại. Là sĩ quan hải quân, tôi mà muốn ra đi thì tàu nào cũng lên đi được hết. Tàu nào cũng có bạn cùng khóa lính hay khóa quan hay cùng đơn vị khi xưa; Hơn nữa, nơi tôi phục vụ là Trường Chiến hạm của Bộ Tư Lệnh Hạm Đội, chuyên huấn luyện tác chiến và thanh tra các chiến hạm của hải quân nên gần như quen biết rất nhiều. Những thường dân mang cả gia đình đứng lớ ngớ trước Hải Quân Công Xưởng muốn vào phía trong để xuống tàu mà không vào được tôi còn dẫn giùm vào. Tôi xa mẹ từ thuở nhỏ nay chỉ muốn được sống bên mẹ của tôi mà thôi. Tôi tự tin là dù hoàn cảnh nào, mình cũng có thể xoay trở để sống còn.

Chiều 30 tháng Tư, lần đầu tiên tôi đến nhà ba tôi. Đứng trên sân thượng của building 4 tầng trên đường Chi Lăng, nhìn những chiếc T. 54 của Quân Bắc Việt từ bệnh viện ung thư và tòa hành chánh tỉnh Gia Định quẹo qua đường Chi Lăng ngang bót Hàng Keo qua trước nhà ba của tôi để tiến về Dinh Độc Lập. Tôi rơi nước mắt. "Thế là hết; Tôi thua trận; Tôi bị mất Nước!"

Tôi rời bỏ Biên Hòa về quê mẹ nhưng bị truy tìm nên phải về quê của Ông Ngoại và 15 ngày sau mới trình diện ở Quận Chợ Gạo. Hai tháng sau khi trình diện, tôi được đưa đến tập trung ở Đình xã Tân Lý Tây. Ngôi đình nầy được cho là linh thiêng vì không bị dấu vết của bom đạn. Ở đây chúng tôi phải khai lý lịch chừng chục lần trong 2 tháng. Ngay lần khai đầu tiên, tôi hiểu ngay đây là lúc phải xài tài ba xạo. Mấy ông họ hàng Trần Thiện theo phe quốc gia không dính gì đến tôi. Bố mẹ, chú bác anh em nhà tôi đều theo kháng chiến, có cả lô tử sĩ. Nhiều lúc đang ngủ bị dựng dậy bắt khai lý lịch vì lệnh trên bắt khai lại. Lý lịch của tôi là lý lịch xạo thì làm sao nhớ mà khai cho đúng y như nhau nên phải chép thật nhỏ giấu vào trong bâu áo. Mỗi lần khai là lần lấy ra xào lại.

Sau đợt lý lịch, một ngày Thứ Bảy gần tối, cả bọn trình diện được lùa lên một đoàn xe GMC và xe hàng loại chở heo đến. Lệnh chỉ ngắn gọn, "chuyển trại", không cho biết sẽ đi đâu. Xe chạy về hướng Cai Lậy, một bên lộ là con kinh. Một tên trên xe nói tới Mỹ Phước Tây rồi.

Mỹ Phước Tây cái tên nầy nghe quen quá. Tôi cố moi trí nhớ. Phải rồi, đây vùng nằm giữa Đồng Tháp Mười, trên đường đi Mộc Hóa.

Qua Mỹ Phước Tây chừng 2 hay 3 km, xe dừng lại. Cán bộ coi tù cho biết đây là Trại Cải tạo Vườn Đào. Tên Vườn Đào là vì ngày xưa có người lập vườn trồng đào lộn hột nhưng rồi bỏ hoang. Trên chục dãy nhà lá dài hàng mấy chục thước. Vào trại, tôi được một số trại viên cũ cho biết họ bị bắt trước ngày 30 tháng 4 và đưa về đây, lùa đi đốn cây làm nhà cho trại. Chúng tôi được chia ra 25 người vô một tổ. Trải nylon quấn mền ngủ qua đêm vì quá tối không thể tìm cách giăng mùng.

Trại cải tạo Vườn Đào đúng là cái trại tù không giống bất cứ nơi đâu. Trong trại không ai nhìn ra tôi. Tôi nhận ra một Thiếu úy ngày xưa ở quân trường Nha Trang tôi làm Đại đội trưởng của hắn nhưng nay nhìn tôi hắn ta ngó lơ. Thế cũng là tốt.

Thời mới đến trại Vườn Đào, tôi nhờ được Mẹ lên thăm vừa tiếp tế vừa dúi tiền cho, nên ăn no xài bảnh. Nhưng những ngày tù “huy hoàng” cũng tới lúc kết thúc. Đổi tiền. 22 tây tháng Chín, 1975, tôi còn trên 100 ngàn, phải chia cho bạn bè đổi dùm. Cán bộ đưa cho mấy đồng còn bao nhiêu giữ lại. Vậy là hết thời vung vít.

Trong trại, ngoài màn lao động còn đủ kiểu họp hành, bắt viết đủ thứ “tự khai” rồi “thu hoạch.” Anh nào bị gọi lên “làm việc” là có chuyện vì bị báo cáo gì đó. Tự biết mình khai lý lịch xạo, muốn yên tôi đóng luôn vai dữ, sẵn sàng đập lộn. Hăm he và thừa cơ đánh vào chỗ yếu của thiên hạ là cách sống còn mà trường đời dạy tôi. Nhược điểm là thằng nào cũng muốn được thả về sớm. Tôi thì tuyên bố tao không cần ra sớm. Tiền bạc mẹ và em của tao đủ sống nhiều năm nữa; Tao không cần ra sớm vì tao biết không thể nào ra sớm; Thằng nào cà chớn tao đập để cùng nhau ở trại tù muôn năm cho vui.

Đòn phép này có vẻ hữu hiệu, vậy mà yên được ít lâu, rồi cũng có ngày tôi bị gọi đi trình diện “làm việc”. Chắc là bị báo cáo gì đây. Trước khi đi, tôi còn hâm he:

- Tao mà bị gì thì thằng nào báo cáo nên trốn đi chứ không thì đừng trách tao nặng tay.

Người chờ “làm việc” với tôi không phải tay cán bộ coi an ninh trại mà là một Trung Úy cán bộ người Miền Nam nằm vùng Đồng Tháp Mười. Ngay khi gặp mặt, anh ta tự xưng là “chính trị viên” và trấn an tôi ngay:

- Tôi gọi anh lên chỉ để nói chuyện chơi cho biết thôi, không có gì quan trọng.

Sau đó, tôi còn được mời ngồi, rồi chính viên trung uý cán bộ này đưa thuốc lá của anh ta ra mời hút.

- Tôi vừa đọc xong mấy bài thu hoạch của anh. Anh là văn sĩ à?

À thì ra anh ta thích đọc “văn xạo" của tôi. Trong tự khai rồi thu hoạch của tôi, mẹ tôi từng là cán bộ huyện Giồng Trơm tỉnh Bến Tre từ thời Thanh Niên Tiền Phong chống Pháp và cha tôi thì thời đầu kháng chiến từng là đồng chí của tướng Trần văn Trà. (Thực sự thì Ba tôi có một thời tham gia kháng chiến, biết Trần văn Trà trước khi ông rời khỏi chiến khu về thành) Chuyện trò lan man, anh ta còn hỏi làm sao bài tôi viết đề cập tới nhiều người chính anh ta cũng chưa biết.

Sau hơn tiếng đồng hồ được mời trà mời thuốc, trước khi ra về, viên Trung Uý còn bảo tôi cứ về trại an tâm tin tưởng cách mạng luôn có tình có lý. Được thả về trại bình an, bạn tù vây quanh thăm hỏi việc gì vậy, tôi trả lời:

- Trung Úy Chính Trị Viên (thay vì nói là cán bộ) kêu tao lên hút thuốc nói chuyện chơi và khen bài viết của tao có thể xuất bản thành sách cải tạo!

Tù cải tạo được cán bộ gọi lên nói chuyện chơi mà không có gì hết thì đúng là “đáng ngờ." Saù đó tôi thật là thoải mái dễ sống, không tên nào dám báo cáo gì hết.

Một hôm, vừa cơm trưa xong tôi bị kêu lên gặp cán bộ. Vẫn viên trung uý chính trị viên lần trước, nhưng lần này anh ta không ngồi văn phòng mà đứng sẵn trên bậc thềm khu cơ quan đón tôi. Sau màn chào hỏi, anh ta vui vẻ dẫn tôi lại văn phòng thuộc khu của trưởng trại, bảo tôi chờ phía ngoài. Anh ta vào phòng một lát rồi đi ra, bảo tôi bảo “Hôm nay anh sẽ làm việc với đồng chí bí thư, tôi sẽ gặp anh sau.“ Nói xong, viên trung uý ra dấu cho tôi đi tới phía văn phòng cửa mở sẵn rồi bỏ đi. Tôi đứng lại tần ngần bên cửa, đang tự hỏi không hiểu chuyện gì thì từ trong phòng, một giọng nữ miền nam vang ra:

- Anh vô đi.

Giọng nói có vẻ lạ. Tôi bước vào phòng. Không thấy ai. Bàn làm việc ghế ngồi bỏ trống. Vẫn cái giọng nữ ấy vang lên phía sau tôi.

- Anh ngó lui coi. Tôi ở đây.

Giọng nói vang lên ngay bên cửa, nơi tôi vừa bước qua. Không phải khăn rằn. Cũng không bà ba đen. Một cô mặc áo sơ mi trắng ngắn tay bó sát chưa quá ba mươi tuổi đứng khoanh tay bên cửa. Cô ta nhìn thẳng vào mặt tôi:

- Anh không nhớ tôi đâu nhưng tôi biết anh. Tôi biết anh đánh lộn trong trại. Tôi biết anh khai lý lịch xạo.

A, phút nguy hiểm đã tới. Thì ra cái người mà viên trung uý gọi là “đồng chí bí thư” là cô này. Phải coi cô ta là thứ người gì rồi mới liệu đường mà thoát hiểm. Ai đây? Động nào, bar  nào. Có phải mấy cô tôi từng gặp ở làng Cam Ranh hay ở bến bờ nào đây?

- Anh đang cố nhớ mà không thể nhớ ra. Tôi không ở những nơi mà anh đang nghĩ đâu. Anh cứ nhìn tôi coi có nhớ gì không?

Cô ta vẫn đứng yên bên cửa, vẫn khoanh tay nhìn tôi và như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi. Có vẻ thấy tôi giống như con nai vàng ngơ ngác giữa trời mùa đông, cô ta nhắc lại điều vừa nói:

- Anh đừng cố tìm tôi trong những chỗ anh thường lui tới. Tôi không phải loại đó. Thong thả, tôi sẽ nhắc cho anh nhớ. Chúng ta chỉ gặp nhau một lần.

Biết tôi không thể nhớ ra gì hơn. Cô ta tiếp tục:

- Có lẽ chưa đầy 30 phút. Nhưng tôi biết về anh. Tôi đã coi tất cả hồ sơ của anh. Bao năm qua, tôi vẫn quyết phải tìm cho ra anh. Đầu tháng Năm, sau khi ổn định tình hình; tôi lên Sài Gòn vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Giấy tờ hồ sơ của hải quân còn đầy đủ cả. Một người của chúng tôi nằm vùng ở phòng tổng quản trị đưa cho tôi danh sách những người trình diện; còn anh ta thì tìm giúp tôi danh sách các quân nhân hải quân trước 75. Có ba người trùng tên anh, tất cả đều là sĩ quan. Một Trung tá là người Bắc di cư; một Trung úy người Nam và một thiếu úy người miền Trung. Tôi biết anh người Nam. Trong danh sách sĩ quan hải quân trình diện, tôi tìm thấy tên anh, một Trung úy người Nam, địa chỉ Tân Vạn Biên Hòa. Tôi lên ngay Biên Hòa thì công an xã cho biết anh bỏ cây xăng trốn đi đâu không biết. Anh đâu có trốn khỏi tay tôi.

À, đúng là một tay nguy hiểm. Không hiểu mình gây thù chuốc oán gì mà bị săn lùng tới mức này. Chắc phải giả ngây giả dại mới qua khỏi ải này, tôi nghĩ. Cô ta nói tiếp:

- Tôi biết anh đã trình diện. Sau khi có lệnh tập trung cải tạo tôi tìm hầu hết các trại cải tạo miền Tây và đến Mỹ Tho nầy thì thấy tên anh; Lý lịch anh khai ở trại này toàn là thứ ba xạo, đúng chưa? Con trai độc nhất trong nhà như anh thì đào đâu ra mà có anh ruột là Thương Uý tập kết tử trận ở Cà Mau. Anh muốn tôi kể thêm nữa không?

- Cô... Cán bộ. Cô...

Thấy “con mồi” đứng lơ ngơ chịu trận, cô ta có vẻ hài lòng, thong thả rời chỗ đứng về lại bàn rồi bảo tôi:

-Trong trại này anh còn dám đánh lộn rồi còn tuyên bố chẳng cần được thả sớm. Anh “chì” lắm ma, sao nay ú ớ vậy. Thôi, ngồi xuống đi. Bây giờ chú ý nghe tôi nhắc. Anh nhớ Năm Căn không? Nhớ đi...

- Năm Căn Cà Mau?   

- Còn Năm Căn nào nữa. Ngày ấy anh chỉ là một anh thuỷ thủ quèn mà làm tàng... Nhớ đi. Ráng coi. Tôi nhắc thêm nghe. Thấy trên cánh tay bọn tôi có bốn dấu xâm, anh ba hoa giảng lung tung rồi bảo chúng tôi đi đi, mau mau về nhà lo làm ăn mà kiếm tấm chồng...

À á. Năm Căn. Bốn vết xâm. Tôi bắt đầu nhớ. Chuyện đã mưới mấy năm trước, hồi tôi mới vào lính. Sau 2 tháng được huấn luyện quân sự ở Nha Trang, tôi xuống chiếc tàu Há Mồm ( HQ. 500) làm thủy thủ tập sự và được tham dự "Chiến dịch Sống Tình Thương" ở quận Năm Căn, tỉnh Cà Mau; Đây là nơi mà khi tàu ủi bãi, có mấy đứa con nít đến, dơ tay gõ vào thành tàu rồi la lên “bằng sắt thiệt tụi bây ơi"; Chúng tôi thấy lạ kỳ nên hỏi vậy chớ các em nghĩ tàu làm bằng gì. Bọn nhỏ nói các ảnh nói tàu làm bằng cạc tông.

Cũng trong chiến dịch này, có bữa địa phương quân đưa xuống tàu chúng tôi ba nữ giao liên gửi cho hải quân giữ chờ hải thuyền đến chở giao về tỉnh Cà Mau. Chiến dịch chấm dứt, tàu tôi được lệnh phải đi công tác khẩn chuyển quân ra miền Trung. Chỉ huy tàu bảo ba cô giao liên chỉ là bọn con nít, chẳng biết gì, cho lệnh phóng thích luôn. Tôi đang phiên gác với một ông Trung sĩ nên được lệnh xuống phòng tạm trú dẫn ba cô lên bờ thả cho đi. Đúng là cả ba đều con nít, hai cô 15 tuổi, cô lớn chắc cũng chỉ 16, 17 tuổi. Thấy trên cánh tay các cô có 4 dấu xâm, tôi nói:

" Các cô có biết 4 dấu chấm xâm trên cánh tay ý nghĩa là gì không? Sinh Bắc Tử Nam là để cho người miền Bắc vượt tuyến vào Nam thề chiến đấu cho đến chết vì Bác vì Đảng. Các cô sinh ở miền Nam không lẽ Sinh Nam Tử Bắc hay Sinh Nam Tử Nam thì chống lại với người Miền Bắc hay sao? Về xóa hết đi lo làm ăn kiếm tấm chồng mà sống cho bình thường. Chuyện đánh nhau là chuyện của đàn ông, con trai đừng xía vào cho khổ thân.”

Không lẽ chỉ nói chừng đó mà thành mối hận để bay giờ phải trả. Thấy tôi nín thinh, cô cán bộ áo trắng nhắc tiếp:

“Anh nhớ thêm đi. Lúc anh bảo ba cô đi đi, tôi không chịu đi mà đòi anh đem giao chúng tôi cho tỉnh Cà Mau. Anh hỏi tại sao thả mà không chịu đi mà đòi giao cho tỉnh. Tôi nói chứ không phải thả đi để các anh bắn từ phía sau lưng hay sao? Anh phá ra cười rồi hỏi ai bảo các cô vậy? Tôi nói nghe các anh lớn nói. Anh hỏi lại nếu thả để bắn sau lưng thì còn ai sống mà kể lại cho các anh lớn biết. Rồi anh tiếp là chẳng những hải quân mà tất cả các binh chủng khác cũng không có binh chủng nào thả người rồi bắn sau lưng. Anh còn nói bắt người thì phải đưa ra tòa xét xử, nếu có tội thì phạt tù chỉ khi nào giết nhiều người, làm hại nhiều người thì mới bị kết tội tử hình công khai chứ không bao giờ bắn sau lưng cả. Anh nhớ ra chưa?

Thấy giọng cô ta bỗng như dịu lại, không có vẻ gì là hằn thù, tôi làm bộ như vừa chợt nhớ ra và kêu:

- A...A... Cô có thể cười cho tôi coi không?

- Có lẽ anh đang nhớ ra rồi; vì ngày đó anh có khen tôi cười có hai núm đồng tiền nên dễ kiếm chồng lắm.

Cô ta nhìn thẳng vào mặt tôi và cười. Hai núm đồng tiền, bên phải sâu hơn bên trái.

- Đúng rồi. Đúng cái mặt cười năm xưa. Tôi nhớ sau khi tôi khen cô bé còn nguýt tôi một cái thật dài. Tôi nhớ hoài cái nguýt dài ấy.

- Ở đó mà cô bé, cô bé....

Tức thì thêm một cái nguýt dài trên mặt cô cán bộ. Đôi má núm đồng tiền bỗng như linh động hơn.

Sau cái cười và cái nguýt dài của cô cán bộ áo trắng, tôi cảm thấy nhẹ người.

- Anh nhìn lại coi. Hơn 12 năm rồi. Đâu còn con bé nào ở đây.

Đến lượt tôi cũng nhìn thẳng vào mắt cô ta và cười. Câu chuyện từ lúc này bắt đầu thấy dễ chịu. Tôi nói:

- Sau khi đưa các cô tới gần cái chợ nhỏ bên sông, thấy chỗ an toàn, tôi mới bảo các cô đi đi. Khi các cô đi qua khu chợ, tôi còn đi theo một đoạn canh chừng. Không thấy cô ngó lui.

- Tôi không ngó lui nhưng biết anh đi theo. Chắc anh không thể ngờ là khi về nhà rồi, ngay ngày hôm sau tôi còn trở lại khu bến sông ấy, nhưng tàu của anh đã đi rồi.

- Tôi có nghe viên trung uý vừa rồi gọi cô là đồng chí bí thư. Chắc cô đã là đảng viên lâu năm.

- Vậy là anh đã nghe. Đúng là tôi đã 12 tuổi đảng. Ngay khi trở về, tôi được kết nạp đảng. Sau đó được chuyển về làm công tác nội thành, theo dõi thầy cô và hiệu đoàn học sinh trường trung học Cà Mau nên tôi học thi lại Tú tài 1 và năm 65, tôi đậu luôn Tú Tài 2. Sau đó ít lâu, tôi chuyển về công tác nằm vùng tại đại học Long Xuyên cho tới ngày giải phóng. Anh không biết là bao năm qua, tôi vẫn tin là sẽ có ngày tôi gặp lại anh...

Tôi nói:

- Thì chúng ta đang gặp nhau ở đây. Hôm nay tôi đã là người tù. Cô là người thắng trận. Ngày ấy, thấy trên cánh tay các cô có mấy vết xâm, tôi lỡ nói mấy câu gì đó. Mong cô không để tâm.

- Anh khỏi cần phải mong. Mấy câu anh nói ngày ấy tôi không bao giờ quên. Hôm nay tôi cố ý mang áo sơ mi ngắn tay để anh thấy trên tay tôi không còn vết xâm nữa. Tôi đã xoá bỏ chúng từ lâu. Anh thấy chưa, không còn dấu vết hay để thẹo gì cả.

Cô ta vừa nói vừa đưa cánh tay ra. Thấy tôi im lặng, cô ta nói luôn:

- Anh không cần phải sợ tôi. Hơn 12 năm trước, khi trở lại bến sông ở Năm Căn tìm anh, tôi chỉ muốn anh biết là tôi cám ơn anh. Hôm nay cũng vậy. Trước đây, khi bắt đầu đi tìm tung tích anh, tôi chỉ mong một lần gặp lại coi anh sống ra sao, vợ con dùm đề thế nào. Khi coi hồ sơ, tôi đến địa chỉ ghi trong lý lịch thì ra là nhà của ông ngoại anh chứ không phải nhà của mẹ anh. Tôi hỏi địa chỉ và đến thăm mẹ anh ở xóm Tân Vạn. Chính bà than phiền với tôi là cho đến nay anh vẫn còn độc thân. Nhìn hình trong nhà, tôi nhận ra anh ngay. Bao năm qua, tôi không thể quên ánh mắt tinh nghịch nụ cười nửa miệng của anh. Mẹ anh kể là mấy cô bạn anh toàn là gái giang hồ, bán bar. Anh sợ lập gia đình nên không dám quen gái nhà lành. Mẹ anh nói có lần bà bảo anh cưới cô giáo nhà bên cạnh nhưng anh nói không muốn có vợ vì sợ phải nuôi con thiên hạ. Anh biết vì sao mẹ anh kể tôi nghe mọi chuyện về anh không?

- Vì cô hỏi thì bà kể. Mấy chuyện đó có gì đâu mà mẹ tôi phải dấu.

- Không phải vì tôi hỏi mà mẹ anh rất thương tôi, tự bà kể ra. Bà muốn tôi phải biết tất cả về anh. Tại sao anh biết không? Tại tôi nói với mẹ anh rằng tôi là người anh thương. Anh đã tính đưa tôi về ra mắt mẹ nhưng chưa kịp làm. Tôi không chỉ nói mà còn ở lại với mẹ anh hai ngày hai đêm. Bà nói với tôi không sót điều gì, từ ba anh tới bà con chú bác dòng họ. Mẹ anh còn nói bà thiệt mừng khi thấy tôi tự đến ra mắt bà. Hôm nay gặp lại anh, chúng ta không có nhiều thì giờ để vòng vo nên tôi phải nói luôn với anh chuyện này. Tôi thật lòng muốn làm bạn với anh.

Một cô cán bộ 12 tuổi đảng muốn làm bạn với tôi. Chuyện thật khó tin. Tôi nói:

- Cám ơn cô nhưng tôi chỉ là một tên tù không biết ngày nào về, làm sao có thể là bạn của cô được.

- Ngày xưa anh từng mang tôi ra khỏi nhà tù, lần này, đến phiên tôi sẽ cứu anh ra khỏi nơi này.

Chuyện tưởng như đùa nhưng cô ta nói nghe chắc như ăn bắp. Tôi từng nghe chuyện lý lịch với phía cộng sản là sinh tử. Có nhiều cán bộ cao cấp tập kết ra Bắc nay thấy con cháu đi tù cải tạo mà ngó lơ, không ai dám dỡn mặt với kỷ luật đảng. Tại sao cô cán bộ này dám nói ra miệng là sẽ ra tay cứu mình. Cô ta là thứ bí thư gì vậy. Âm mưu gì đây mà cô ta phải tìm đến ở với mẹ tôi mấy ngày đêm để nắm hết lý lịch bí ẩn của tôi. Mẹ tôi vốn cả tin. Chưa bao giờ tôi mang bất cứ cô nào về nhà ra mắt mẹ. Nay thấy một cô gái có vẻ con nhà lành dễ thương tới xưng là người tình của thằng con, bảo sao bà ta không tin ngay mà thương. Nhưng tôi đâu có khờ như bà mẹ mình được. Tôi nói:

- Cô đã biết hết lý lịch thật của tôi. Tất cả rồi sẽ bị phanh phui, chắc tôi sẽ khó sống. Cô tuy có 12 tuổi đảng nhưng dính đến tôi sẽ có ngày liên lụy. Xin cô tha cho tôi.

Cô ta cười to và nói:

- Anh khỏi lo dùm tôi. Tôi đã hứa là sẽ làm. Anh cứ sống bình thường như mọi người trong trại là được rồi.

Cô ta đưa cho tôi một túi quà và nói:

- Đây là quà của riêng tôi biếu anh. Mẹ anh cũng muốn gửi quà nhưng tôi nói bà cứ giữ đó. Tháng tới tôi sẽ đưa bà lên thăm anh. Thôi, anh về đi. Trưởng Trại có lẽ sắp trở lại.

Tôi nhận gói quà, chào cô ta ra về mà gần như người mất hồn. Về tới trại giam, tôi chỉ trả lời qua loa trước những lời dò hỏi của bạn tù.

Đúng như lời hẹn, tháng sau cô ta đi cùng với mẹ tôi lên thăm. Không phải thăm riêng mà bình thường như bao người cải tạo khác. Cùng gặp một lúc tại nhà thăm nuôi, chỉ 15 phút. Mọi lời lẽ tù nói với người thăm gặp phải diễn ra trước mặt viên cán bộ phụ trách. Từ đó, cô ta tiếp tục đi cùng mẹ tôi đến thăm tôi hàng tháng. Chẳng thể nói gì, tôi đành phó mặt cho số mệnh. Thấy cô cán bộ 12 tuổi đảng đóng vai phó thường dân ngồi cười cười bên bà mẹ thăm nuôi, tôi nổi tánh lì, trò chuyện tự nhiên, đôi khi còn chọc cười như ngày xưa ở các bars hay động. Tôi còn gì để mất? Cô ta muốn gì ở tôi? Tôi có gì để mà lợi dụng? Thôi thì phó mặc cho số phận.

Tháng Một năm 1976, một buổi chiều vừa ăn cơm xong, sắp tới giờ điểm danh vô chuồng, bỗng có cán bộ cầm danh sách đến gọi đúng tên tôi bảo thu dọn gọn lẹ đồ đạc cá nhân mang theo ra điểm danh.

Bất ngờ gọi tên lúc chiều tối hẳn không phải lệnh tha. Thu dọn đồ đạc mang theo kiểu này chỉ có thể là chuyện trại. Nơi tập họp điểm danh là sân trại. Số tù được gọi ra điểm danh có hai mươi mấy mạng, trong số này có anh chỉ còn một chân. Một cán bộ trẻ mang lon thiếu uý dẫn chúng tôi đi ra cổng. Không thấy xe cộ gì. Cả bọn cuộc bộ, không thấy có quản chế súng ống kèm sát như khi đi lao động. Một tên đánh bạo hỏi:

- Chúng tôi đi đâu đây cán bộ?

- Đi tới nơi làm lệnh tha.

- Tha về hả cán bộ?

- Bộ tha rồi không về ở lại ăn hại à?

Cả bọn nửa tin nửa ngờ; Trời bắt đầu tối. Thả vào giờ nầy, xe cộ đâu mà về?

Cả bọn được dẫn ra đến nhà thăm nuôi. Đèn được thắp sáng. Có viên trung uý xưng là chánh trị viên tôi từng gặp đợi sẵn. Thấy tôi trong đoàn người, anh ta cười ra vẻ “hồ hởi” bảo hôm nay anh sẽ thấy cách mạng luôn có tình có lý. Các anh tập trung lại bàn thăm nuôi khai lại địa chỉ và người nhà cho chính xác một lần, sau đó sẽ nghe đồng chí trại trưởng tới nói chuyện.

Cừng nửa giờ sau, Đại Úy Trưởng Trại ra tuyên bố:

- Các anh thuộc diện gia đình cách mạng được bảo lãnh cho về; Kể từ giờ phút nầy tuyệt đối không được liên lạc với những người trong trại; Từ đêm nay các anh ăn ngủ tạm tại nhà thăm nuôi này. Cán bộ sẽ phát mền chiếu v, gạo và lương thực để các anh tự nấu nướng. Ngày mai sẽ làm thủ tục nhận lại đồ ký gởi và lệnh tha. Sau đó chờ liên lạc, gặp gỡ thân nhân bảo lãnh và làm lễ ra trại. Trong mấy bữa chờ làm lễ, các anh tuyệt đối không được liên lạc với các trại viên cũ.

Hôm sau, cả bọn được tập trung lên cơ quan nhận lệnh tha, tiền và đồ dùng ký gửi. Riêng phần tôi, kiểm lại thấy còn vài trăm bạc mới. Ba ngày sau, đã thấy đoàn người thân nhân trong đó có bà mẹ tôi có mặt tại nhà thăm nuôi. Hai mươi mấy tên tù được tha, kể cả tôi, hầu hết đều do mẹ là người bảo lãnh.

Cán bộ ra đưa cho một số tiền để mua thức ăn làm bữa tiệc chia tay. Một bà mẹ đến từ Cao Lãnh nghe nói trước là chủ nhập cảng các loại máy ghe tàu, “xung phong” nhận sẽ “ủng hộ” thêm tiền chợ và còn tình nguyện lãnh đi chợ dùm. Bà ta hỏi có thể cho một hay hai người đi theo mang phụ thức ăn. Cán bộ nói:

- Bây giờ thì các anh có thể đi tự do; muốn mấy người theo cũng được.

Thế là khu chợ gần Trại Cải Tạo Vườn Đào được một buổi chợ trúng mối. Heo, gà, vịt, tôm càng, cá... rau cải mua nguyên thúng, nguyên sàn, hỏi giá bao nhiêu là mua bấy nhiêu khỏi cần trả giá; tiền chợ được bà chủ Cao Lãnh xuất hầu bao, mớ tiền chợ ít ỏi do trại phát có lẽ được bà mẹ nầy cất riêng để làm kỷ niệm ngày con được ra tù.

Tiệc chia tay thức ăn ê hề nào gỏi, nào ca ri, cá hấp, tôm càng nướng, thịt heo, gà, vịt luộc. Thế rồi tiệc cũng bế mạt. Thức ăn gần như còn nguyên vì ai cũng chỉ nếm cho có vị và cán bộ cũng không dám ăn bửa tiệc giá đáng mấy chục lần số tiền cho để làm tiệc. Mấy Bà xin đem thức ăn cho mấy người trong trại thì cán bộ không cho bảo phải đem chôn hết.

Ra khỏi trại mọi người đứng chờ đón xe Mộc Hóa để về Cai Lậy. Từ phía hàng rào trại, thấy lố nhố người đứng trông ra. Tôi quay lui, cũng không dám nhìn lâu không còn nhận được dáng của đứa nào!.

Tôi nói với Má:

- Mình đi lần, bao giờ có xe thì đón. Chứ đứng đây chờ nhìn vào các bạn trong kia nhìn ra, con thấy bất an!

Tôi và má Tôi đi lần dọc theo lộ. Tất cả gần như thấy vậy cũng đi theo.

*

Là người tù trại Vườn Đào được về sớm, tôi biết thân ở yên với mẹ già. Chòm xóm không thấy làm khó dễ.

Sau khi được trao trả quyền công dân, tôi còn được cử ông Nông Hội Ấp đề nghị tôi làm trung đội trưởng lao động ấp; mọi người vỗ tay tán thành. Thế là từ đó ai thấy tôi đến nhà là biết bị gọi đi lao động không công cho XHCN, nào đào kinh, lấp kinh, rồi nước đọng cây trái bị úng nước, ruộng lúa bị ngập nước không rút kịp lâu ngày cây cối chết, lại phải đi phá đập, vác lúa thu thuế... Tôi không dám nhìn khi thấy bà con nông dân ai cũng đầy nước mắt khi bồ lúa vơi đi hơn phân nửa để đóng thuế. Nghe nói lúa thuế được chở tiếp tế cho Miền Bắc.

Mỗi tháng Cô Bí Thư đều đem nhiều khô mắm từ Cà Mau lên thăm Tôi và ở chơi 3 hay 4 ngày. Cô ta ngủ chung với mẹ tôi, vẫn có vẻ được bà thương mến, tin cẩn. Tôi cũng không nói hay hỏi gì thêm ngoài việc cho mẹ biết là bà đã vô tình đem sói vào nhà vì cô ta là bí thư trên 12 tuổi đảng.

Cũng có lần cô ta biệt tăm luôn 3 tháng; rồi một hôm bỗng đến thăm với nhiều quà từ miền Bắc. Cô cho biết vừa đi tập huấn ở Hà Nội về. Tôi hỏi:

- Em sáng mắt ra chưa?

Cô ta lườm và nói:

- Anh chưa thấy quan tài nên chưa biết đổ lệ!

Đầu năm 1980, Cô ta đến thăm và tối hôm đó có mặt mẹ của tôi. Cô ta nói:

- Mẹ muốn em lo cho anh ra đi; nhưng em có điều kiện là anh phải nhận em làm vợ cho đến khi định cư rồi sau đó tùy anh. Em cho anh một tháng để nghĩ suy và trả lời em.

Mẹ tôi khuyên tôi nên nhận cô ta làm vợ vì cô ta thương tôi thật sự. Tôi thì nghĩ không hẳn. Cô ta bỏ nhiều công phu tìm tôi, giúp tôi và nay gmuốn cùng tôi vượt biên với tư cách là vợ một sĩ quan hải quân để làm gián điệp như bao trường hợp nằm vùng khác, có người làm tài xế, người giúp việc trung thành tận tâm cả chục năm nhưng sau tháng tư đen thì mới lòi mặt thật. Nhưng đâu còn đường nào khác để tính.

Chưa đầy một tháng sau cô ta lên và bảo tôi chỉ đem theo một bộ quần áo gọn nhẹ để mai đi. Tôi hỏi:

- Em chưa biết anh có đồng ý hay không mà bảo ra đi.

- Thông minh như anh thì không bao giờ bỏ mất dịp may, vì anh không mất gì cả, kẻ mất nhiều nhứt là em nhưng là em tự nguyện; Mọi chuyện ra sao sau này anh sẽ biết.

Tôi hỏi cô ta có an toàn không.

- Anh có cần có tàu Hải Quân biên phòng hộ tống hay không? Nếu muốn em cũng có cho anh.

Tôi nghe mà khiếp. Chẳng rõ cô ta nói đủa hay nói thật. Cỡ bí thư huyện ủy cung không thể có quyền vào Bộ Tư Lệnh Hải quân xưa để tầm kẻ thù; Không hiểu cô ta là thứ gì? Không ra hải ngoại để nằm vùng hay làm gián điệp thì còn gì nữa? Nghĩ vậy nhưng thôi kệ. Cô ta làm gì hay là ai tính sau, cứ thoát ra khỏi nước cái đã. Thế là chúng tôi từ giã mẹ ra đi.

Tàu vượt biên dài 12 mét mới toanh, máy cũng mới và số người đi là 52 người do một cựu hàng hải thương thuyền ngày xưa lái; nhưng cuối cùng 26 người bị rớt lại vì ghe nhỏ chuyển ra ghe lớn bị chận giữa đường mà trong đó có gia đình tài công. Cô bí thư hỏi:

- Anh lái được chứ ?

- Lái được nhưng không có bản đồ mà chỉ có la bàn thì phải chạy thẳng ra hải phận quốc tế rồi theo hướng Tàu buôn mà lấy hướng đi thì sẽ sang Singapore hay tấp vào các đảo của Indonesia.

Tôi lái suốt 5 ngày đêm mới gặp một ghe đánh cá của Indonesian và hỏi thăm thì được chỉ cho một chỗ cách đó không xa. Tôi lái vào và ở đó một ngày một đêm thì được tàu của Indo đưa đến trại tỵ nạn Kuku. Một tháng sau chúng tôi được đưa sang trại Galang và dĩ nhiên trong lý lịch của Hải quân Trung úy VNCH nay có thêm cô vợ bí mật nhiều phần là gián điệp.

Trên bước đường lưu vong quê người xứ lạ làm thân thất quốc, chúng tôi cô đơn lạc lõng như nhau. Ngày qua ngày cả hai đứa đi học tiếng Anh về nấu cơm chung rồi chung giường và  thành vợ chồng thật.

Ở Galang tôi gặp lại bạn bè quân ngũ xưa; vì gần như mỗi tàu là có đôi ba hải quân xưa được đi không tốn tiền để lái tàu. Quán Trùng Dương là nơi tụ họp để nhận ra nhau kể chuyện xưa và bàn chuyện tương lai. Các cựu hải quân xưa làm sổ lưu niệm giống như thời học trò viết lưu bút ngày xanh cho những tháng nghĩ hè. Lắm ông ghi cả số quân đơn vị xưa và dán cả hình. Ôi các quan lính ơi Tôi mà đem cái sổ nầy về thì e rằng cô bí thư mười mấy tuổi đảng sẽ lén ghi lại hết gởi về Bắc Bộ phủ thì gia đình các ông cũng mà khó sống ở VN!. Tôi từ chối viếtsổ lưu niệm và cũng không đến quán hội họp nữa.

Cũng tại trại Galang, tôi có người bạn trước là thiếu úy ngành điện khí được mướn làm người gác máy điện phụ cho một thợ điện người Indo. Anh Indo nầy khá am tường về tình hình VN và có phân tích như sau:

- Các anh vượt biên nghĩ rằng ra ngoại quốc rồi Mỹ sẽ giúp cho thành lập một đoàn quân để trở về dành lại VN. Có lẽ các anh lầm rồi. Mỹ không bao giờ giúp các Anh đâu vì giúp các Anh; Mỹ được lợi gì? Các anh đánh nhau mà nhiều nữ tính quá. Nhân đạo với kẻ thù thì chỉ có con đường chết; Phải như chúng tôi kìa. Chỉ một đêm thôi không một tiếng súng; toàn dùng dao, búa, mã tấu mà giết cho tuyệt giống cộng sản. Chỉ một đêm là xong gần triệu mạng...

Sáu tháng sau chúng tôi được đi định cư. Tôi không tham gia đoàn thể nào, không hội họp với cả hội đồng hương nhưng lúc nào cũng canh chừng cô vợ bí thư đảng viên.

Cô ta cũng như tôi chẳng quen ai; đến cả dùng điện thoại cô ta cũng không sử dụng. Mẹ tôi mất năm 83. Mẹ cô ta mất năm 84. Năm 90 ba tôi và ba của cô ta cùng mất trong một năm. Chúng tôi nhận thư nhưng không về và đến nay cũng chưa về. Chúng tôi đồng ý không có con. Tôi 72 và vợ 70 tuổi; nếu còn ở Việt Nam, cô ta nay đã 52 tuổi đảng, không biết làm tới chức gì.

Mất nước bốn mươi năm, lưu vong hơn 35 năm, chúng tôi chưa bao giờ có ý định về thăm lại quê hương. Trong lòng tôi đã chôn một chế độ và trong lòng vợ tôi cũng chôn một chế độ. Chúng tôi không con nối dòng nên khi chúng tôi chết thì "cả hai chế độ" cũng tan thành tro bụi. Với tôi, vậy là chôn xong hai chế độ. Ngày ấy không xa.

Kỹ niệm 40 năm

Trần Thiện Phi Hùng

Wednesday, May 6, 2015

DANH SÁCH CHƯ VỊ THỦY QUÂN LỤC CHIẾN TỬ TRẬN Ở HUẾ VÀ ĐƯỢC CẢI TÁNG VÀ ĐƯỢC GỬI VÔ CHÙA


 DANH SÁCH CHƯ VỊ THỦY QUÂN LỤC CHIẾN TỬ TRẬN Ở HUẾ VÀ ĐƯỢC CẢI TÁNG VÀ ĐƯỢC GỬI VÔ CHÙA
Xin giúp phổ biến trang Blog Gia Đình Nha Kỹ Thuật / QLVNCH

Chào anh , 
Kính gửi anh share giúp mọi người . 
Vì số lượng quá nhiều và các bia đã bị bể nên phần nào ghi chép không đầy đủ hoặc sai lệch . Tôi đang làm sơ đồ vị trí cho từng ngôi nhưng chưa hoàn thành để thân nhân dễ dàng tự đi tìm sau này . 
Nghe nói tất cả đều tử trận trong đồn Mang Cá Huế. 
Thanks  .


KHU 1
STT HỌ & TÊN  CHỨC VỤ NƠI CÔNG TÁC TỬ TRẬN
1 Đỗ Văn Hợp 
2 Tống Ngãng
3 Huỳnh Ngọc Quý
4 Trần Lao
5 Huỳnh Văn Nhiêu
6 Nguyễn Văn Phương
7 Nguyễn Văn Bộ
8 Phan Đặng Ngọc
9 Nguyễn Văn Ngọc
10 Phan Văn Tri
11 Nguyễn Văn Quân
12 Nguyễn Lợi
13 Trần Văn Sen
14 Võ Tiểu
15 Nguyễn Đình Tròn
16 Lê Quốc Quân
17 Võ Văn Phúc
18 Tr Tr Tiễn
19 Nguyễn Thanh
20 Hàng Tử 
21 Lê Ngọc Ngâm
22 Nguyễn V Tô
23 Nguyễn Mới
24 Nguyễn Nhâm
25 Võ Ngọc Lan 
26 Nguyễn Hào
27 Trần V Hùng 
28 Lê Văn Phịn
29 Nguyễn V Hạnh
30 Huỳnh Anh  binh nhì
31 Nguyễn Quỳnh
32 Trần Miêu
33 Thái Bá Tường
34 Nguyễn Đoài
35 Lê Văn Cư
36 Lang Lương Quân
37 Nguyễn Tỏa Xa
38 Lê Công Cam
39 Nguyễn Văn Kế
40 Cao Văn Sáu
41 Nguyễn Quý trung sỹ
42 Nguyễn Huỳnh
43 Trần Ai
44 Võ Quốc Đạo
45 Ngô Văn Hiếu 
46 Lê V Ngây 
47 Huỳnh Mươn
48 Trương Thu 
49 Phi Văn Thịnh
50 Lương Văn Tùy
51 Hồng Chiến Thắng
52 Trần Sơ
53 Nguyễn Thi Hương
54 Trần Đình Long
55 Lê Lênh 
56 Nguyễn Văn Tùy
57 Võ Đình Ri
58 Trần Binh
59 Nguyễn Xuân
60 Nguyễn Thành
61 Nguyễn Trà
62 Đoàn Tròn
63 Nguyễn Văn Châu 
64 Lê Văn Tông 
65 Đoàn Cần
66 Nguyễn Mừng
67 Nguyễn Giàu ( Diau)
68 Bùi Đoàn
69 Võ Văn Thi
70 Nguyễn Tr Thành
71 Nguyễn Văn Xuyên
72 Trương Tạ
73 Hồ Văn Mạnh
74 Nguyễn Ngọc Thư
75 Võ Tấn
76 Huỳnh Bậy
77 Phạm Búa
78 Phạm Dũ
79 Nguyễn Trơ
80 Nguyễn Hữu Binh
81 Nguyễn M Tam 
82 Nguyễn Phước 
83 Bùi V Hương
84 Nguyễn Mua
85 Huỳnh Văn Trớt
86 Đặng Rương
87 Huỳnh Ngon
88 Chu Quang Thúc trung úy
89 Vũ V Hai
90 Phạm Viêm
91 Đinh Văn Cu
92 Võ Văn Hai
93 Phạm Lượm
94 Dương Xuân Linh
95 Đỗ Giới
96 Lê Nghi
97 Nguyễn Văn Từ
98 Nguyễn Điêu
99 Nguyễn Hường
100 Lê Văn Long
101 Nguyễn Thiên
102 Nguyễn Hữu Thiên
103 Nguyễn Trai
104 Trần Kỳ An
105 Ngô An
106 Lâm Tài
107 Trần Văn Quang
108 Nguyễn Thiện
109 Phan Tinh
110 Trần Thế Biên trung sỹ
111 Ten T Phê Rô
112 Nguyễn Hữu
113 Ngô Dương
114 Nguyễn Hoa
115 Trần Văn Hoa
116 Lê Văn Hồng
117 Huỳnh Ngọ
118 Lê Văn Thanh
119 Nguyễn Dương
120 Binh Dương
121 Phạm Lịch
122 Nguyễn Mịch
123 Phạm Vân
124 Hoàn Toại
125 Hồ Liên
126 Lê Văn Sang
127 Nguyễn Kì
128 Hoàng Thắng
129 Đinh Hau 
130 Trần Văn Hoàng
131 Hoàng Kì
132 Lê Tiếp
133 Phùng Thương
134 Bùi Sáu 
135 Nguyễn Muối 
136 Bùi Hưng
137 Nguyễn Văn Ích
138 Võ Quết
139 Phạm Hơn
140 Quan Minh
141 Phạm Văn Thắng
142 Lê Gia An 
143 Đặng Văn Thao
144 Đỗ Dục
145 Nguyễn Việt 
146 Ngô Quế
147 Bùi Hòa
148 Nguyễn Ngàn
149 Lưu Quân  hạ sỹ
150 Phạm Ngoc Dương
151 Nguyễn Long
152 Phan Cao Hoan
153 Trần Qua
154 Trần Thành
155 Nguyễn V Uông
156 Phùng Vui
157 Nguyễn Thọ
158 Lê Lạc
159 Đoàn Văn Châu
160 Ngô Tý
161 Nguyễn Mẹo
162 Diệp Minh
163 Phan Tám hạ sỹ
164 Đinh Văn Bảy hạ sỹ
165 Lê Văn Tú
166 Lê Văn Ông
167 Trần Văn Phả
168 Nguyễn Tý
169 Nguyễn Văn Y
170 Trần V Cáp
171 Trần Tông
172 Phan Mão 
173 Phạm Tý
174 Thạch Phia
175 Phạm Duyên
176 Nguyễn Son
177 Lê Minh Hùng
178 Trần Quang
179 Đặng Văn Dung 
180 Phạm Văn Lượm
181 Vũ Như Hòa
182 Nguyễn Nậy
183 Trần Bá Toàn
184 Trần Nhạn
185 Lê Ngọc Mai 
186 Nguyễn Hạt
187 Ngô Văn Đính
188 Nguyễn Văn Đèn
189 Nguyễn Khải
190 Trần Gạch
191 Hữu Thiết 
192 Nguyễn Giang
193 Đăng Hoa
194 Lê Sum
195 Phạm Văn Chước 
196 Nguyễn Ken
197 Nguyễn V Cường
198 Nguyễn Lớn
199 Nguyễn Lê hạ sỹ
200 Trịnh Xuân Hùng
201 Lê Chân
202 Trịnh Văn Chóc
203 Nguyễn Thanh Khiến
204 Nguyễn Hích
205 Đào Văn Viên
206 Nguyễn Le
207 Phan Ty
208 Trần Nam 
209 Lê Tuấn
210 Võ Văn Ngọ
211 Lê Quyên
212 Phạm V Quân 
213 Nguyễn Lý
214 Nguyễn Văn Mui
215 Thái Đảng
216 Lương Ba
217 Trần Trọng Hiếu 
218 Nguyễn Tri
219 Trần Mác
220 Trần Công Chuẩn 
221 Nguyễn Văn Bắc 
222 Nguyễn H Nhạc
223 Phạm Văn Dan
224 Phạm Canh
225 Lê Ba
226 Trương Cung
227 Nguyễn Văn Lẹ ( Vẹ )
228 Lê Quang Hoành
229 Lương Dục
230 Nguyễn Trân
231 Lê Ngọc
232 Lê Quý Phát
233 Phương Ngọc Đinh
234 Nguyễn V Đông
235 Nguyễn Kính ( Vinh )
236 Phạm Văn Cương
237 Vũ Quan Trung
238 Nguyễn Phương
239 Nguyễn Tuyến
240 Tạ Văn Vân
241 Nguyễn V Tân 
242 Cùng các vị chưa biết tên khác



KHU 2
STT HỌ & TÊN  CHỨC VỤ NƠI CÔNG TÁC TỬ TRẬN
1 Nguyễn Văn Đo
2 Trần Văn Tươi
3 Dương Mọi
4 Dương Văn Tứ
5 Hồ Phương 
6 Tạ Văn Ngọc
7 Cao Hiếu 
8 Hoàng Lầy 
9 Trương Văn Đương 
10 Nguyễn Rụi
11 Trần Văn Thuận 
12 Trần Son
13 Trần Chớ 
14 Huỳnh Mọi
15 Lê Ngâm 
16 Ngô Vun
17 Nguyễn Hưng
18 Nguyễn Thái
19 Lê Dần
20 Cao Ganh
21 Tống P Thành
22 Nguyễn Ly
23 Nguyễn Quý
24 Phan Thế 
25 Đỗ Văn Minh
26 Nguyễn Văn Sang 
27 Nguyễn Văn Lộc
28 Nguyễn Tản
29 Nguyễn Văn Dữ
30 Hà Văn Tây
31 Trần Văn Ngân
32 Bùi Xuân Quan
33 Trương N Bích
34 Nguyễn Văn Ba 
35 Đỗ Văn Bé
36 Nguyễn Tuấn Lộc
37 Đặng Văn Mai
38 Quang Dương 
39 Trần Dược
40 Nguyễn Văn Tân
41 Đỗ Ế
42 Trần Phong
43 Trần Văn Linh
44 Nguyễn Văn Tiến
45 Nguyễn Tiến 
46 Bùi Đức Trinh
47 Cùng các vị chưa biết tên khác 



KHU 3
STT HỌ & TÊN  CHỨC VỤ NƠI CÔNG TÁC TỬ TRẬN
1 Phan Văn Thương
2 Nguyễn Đa
3 Bùi Diệu
4 Phạm Cép
5 Nguyễn Bân
6 Nguyễn Văn Ba
7 Nguyễn Văn Ngừng
8 Lương Chí
9 Lê Cương
10 Lê Y Chan
11 Nguyễn Thiết
12 Trần Đôi
13 Nguyễn Sàn
14 Lê Mai 
15 Nguyễn Dinh
16 Trịnh Quang Tấn
17 Trần Văn Chân
18 Viên Tường Thương
19 Trần Chí
20 Nguyễn Mẫn
21 Nguyễn Văn Phu Trung Úy
22 Nguyễn Hố
23 Trần Văn My
24 Nguyễn Thanh
25 Bùi Kiều
26 Nguyễn Tri
27 Hoàng T Nậy
28 Nguyễn Tiền
29 Không Trọng Chuẩn
30 Hồ Sân 
31 Lê Truyền
32 Đoàn Nam 
33 Ngô Điêu
34 Phạm Ổng
35 Hoàng Rác
36 Trần Sến
37 Phan Tất
38 Lê Nhơn 
39 Nguyễn Vy
40 Huỳnh Thị Hiếu
41 Nguyễn Thu Học
42 Nguyễn Dai
43 Thái Văn Mầu
44 Phạm Văn Út
45 Đinh Văn Cương
46 Nguyễn Hữu Hùng
47 Huỳnh Đức Thanh 
48 K.C On
49 Nguyễn Tang Hạ Sỹ
50 Phan Văn Tư
51 Ngô Thi
52 Nguyễn Văn Kỳ
53 Trần Đang 
54 Nguyễn Quốc Ngân 
55 Nguyễn Văn Khu
56 Phan Lụa 
57 Ngô Truyền
58 Huỳnh V Lé
59 Nguyễn Giàn
60 Lê Hội
61 Nguyễn Hè
62 Võ Đình Tôn
63 Trần Xuân Tinh
64 Mai Phong 
65 Lê Đắt
66 Đoàn Văn Tư
67 Lê Văn Khải
68 Phạm Quốc Long
69 Nguyễn Văn Công ( Ưng ) 
70 Võ Hoàng
71 Bạch lai  Hạ Sỹ
72 Mai Văn Quốc
73 Trương Màm ( Hàm )
74 Phạm Liễu 
75 Nguyễn Văn Châu
76 Trần Hoàng 
77 Nguyễn Băng
78 Hồ Văn Phan Hạ Sỹ
79 Trần Khai 
80 Trần Tửm
81 Phạm Tân
82 Nguyễn Rần
83 Nguyễn Huyền
84 Nguyễn Thảo
85 Trần Ngim
86 Trần Tuyên Trung Úy
87 Nguyễn Bé
88 Nguyễn Văn Khen
89 Diệp B Hoàng
90 Hoàng Chân
91 Nguyễn Tu
92 Vo Cây
93 Nguyễn Sấu
94 nguyễn Chương
95 Võ Y Thi
96 Lê Tư 
97 Phan Tài
98 Nguyễn Dung
99 Hoàng Tùng 
100 Nguyễn Văn tài
101 Trần Cấm
102 Bu Chánh Hạ Sỹ
103 Trịnh Nền
104 Trương Thanh Phú
105 Trần Hà
106 Mai Kiệt
107 Trần V Cưng 
108 Trần V Sến 
109 Cùng các vị chưa biết tên khác 

KHU 4
STT HỌ & TÊN  CHỨC VỤ NƠI CÔNG TÁC TỬ TRẬN
1 Nguyễn Anh 6/2/1968
2 Nguyễn Đức Ngọc Trung sĩ Tiểu đoàn 4/2 4/3/1968
3 Dương Văn Long BSQĐ Tiểu đoàn 3/1 6/3/1968
4 Đỗ Văn Phát Binh nhì Tiểu đoàn 4/2
5 Ngô Văn Quang Binh nhất
6 Phạm Kim Anh  Binh nhì Tiểu đoàn 3/1 6/3/1968
( Ngô Đình Hiệp )
7 Nguyễn Thu
8 Võ Văn Ngô Binh nhì
9 Hồ A Lộc Hạ sĩ Tiểu đoàn 7 1/2/1966
10 Văn Công Huỳnh Hạ sĩ
11 Điền Kiên Binh nhất
12 Nguyễn Văn Thước Binh nhì
13 Trần Ngọc Bảo Binh nhì
14 Nguyễn Văn Lập Tiểu đoàn 3/1
15 Bùi Văn Hường
16 Châu Sơn Binh nhì
17 Lê Kim Châu Binh nhất
18 Võ Ngữ Hạ sĩ
19 Nguyễn Tân Vạn ( Văn Vạn ) Binh nhì TĐ 5 TQLC
20 Nguyễn Văn Lộc Binh
21 Đoàn T. Khiết
22 Trần Văn Tài Binh nhất
23 Nguyễn Văn Ngọt Binh TĐ 4 TQLC 20/02/1968
24 Võ Tấn Thạnh Binh TĐ 1 TQLC 7/3/1968
25 Võ Văn Ni Binh nhì TĐ 1 Nhảy dù
26 Nguyễn Văn Be B/s
27 Đỗ Văn Minh Binh TĐ 5 TQLC 2/2/1968
28 Nguyễn Văn Kha Binh TĐ 4 TQLC 7/2/1968
29 Khu Văn Mẫn Binh TĐ 1 TQLC 23/04/1968
30 Lâm Văn Long Binh TĐ 1 25/02/1968
31 Trần Văn Sáu Binh TĐ 5 TQLC 18/02/1968
32 Danh Sum Binh TĐ 5 TQLC 19/02/1968
33 Vũ Thị Giang Hương
34 Nguyễn Xe Hạ sĩ
35 Phạm Đô Hạ sĩ
36 Ba Hạ sĩ TĐ 4/3
37 Trung Văn Hòa Binh TĐ 5 TQLC
38 Phan… TĐ 4/3
39 Võ Văn Sạch Binh
40 Huỳnh Quang Bình BS 
41 Lê Minh Canh BC
42 Trần Văn Lương
43 Vô danh 16
44 Nguyễn Văn Sơn Binh nhì TQLC
45 Trần Văn Dư Binh
46 Nguyễn Văn Phương Binh nhất
47 Bùi Văn Ơ
48 Nguyễn Văn Nhẫn Binh TQLC
49 Phạm Lưu Trung sĩ TĐ 4 TQLC
50 Vô danh
51 Nguyễn Văn Thái Binh nhất
52 Phạm Xuân Chinh
53 Nguyễn Thái Trung sĩ Nhảy dù
54 Trần Thủy Hoàng Binh nhì
55 Vô danh
56 Lê Văn Giang Binh
57 Trần Lâu
58 Vũ Ngọc Lý Trung sĩ TĐ 1 TQLC 15/02/1968
59 Bùi Thim Binh TĐ BĐO
60 Nguyễn Hoàng TĐ 4/1  13/03/1968
61 Trần Văn Lé Binh nhất
62 Nguyễn Sang
63 Lê Văn Thông Binh
64 Trương Văn Ngầu Binh nhất TĐ 7 Nhảy dù
65 Vô Danh
66 Lê Văn Dâu Hạ sĩ TĐ 7 Nhảy dù 1/2/1968
67 Nguyễn Văn Cường Hạ sĩ
68 Lương Ha
69 Vô danh
70 Nguyễn Cảnh Hạ sĩ TĐ 1 TQLC
71 Nguyễn Văn Hương Hạ sĩ TĐ 1 TQLC 15/02/1968
72 Cao Văn Đức Hạ sĩ TĐ 1 TQLC 5/2/1968
73 Nguyễn Ngọc Hồ Hạ sĩ TĐ 5 TQLC
74 Trần Văn Sáu Binh TĐ 5 TQLC
75 Nguyễn Văn Dừa LCĐB TĐ 2/5
76 Phạm Công Tâm Binh
77 Lâm Văn Giàu BSQĐ TĐ 3/2 7/5/1968
78 Phạm Phước Binh nhất TĐ 4 TQLC 17/02/1968
79 Nguyễn Văn Bi Hạ sĩ
80 Đặng Ngọc Thanh 8/2/1968
81 Đặng Tấn Quang Binh TĐ 1 TQLC 26/02/1968
82 Bùi Văn Ranh Binh TĐ 5 TQLC 8/2/1968
83 Nguyễn Văn Kim Hạ sĩ nhất TĐ 7 Nhảy dù 1/2/1968
84 Danh Ương  TD 5 TQLC 16/2/1968
85 Lương T Sa  Hạ sĩ
86 Nguyễn Tấn Sinh  Hạ sĩ
87 Nguyễn Văn Tánh  Trung sĩ
88 Lê Văn Mười  Binh
89 Nguyễn Văn Sum Binh
90 Nguyễn Hữu … Binh nhất
91 Huỳnh Minh Châu  Trung sĩ nhất 
92 Nguyễn Văn Thọ  Chuẩn úy 
93 Nguyễn Văn Sơn  Binh 
94 Trần Văn Huỳnh ( Hường )  Binh
95 Võ Văn Phước  Binh nhì 
96 Đặng Minh Tông  TS
97 Lý Phú 
98 Nguyễn Văn Lai  Hạ sĩ  
99 Nguyễn Văn Tốt  Binh nhì 
100 Vô Danh   8/4/1972
101 Nguyễn Diệu 
102 Đỗ Phong ( Phụng )   Binh nhì
103 Trần Văn Sanh 
104 Nguyễn Văn Cư ( củ ) 
105 Tăng Ngầu 
106 Vô Danh  1/2/1968
107 Trương Ngọc Bích 
108 Châu Giờ  Hạ Sỉ 
109 Nguyễn H Khấc ( Khắc )  Trung sỉ 
110 Trần Văn Quang 
111 Nguyễn Văn Chính 
112 Bùi Văn Rành ( Ràng ) Binh
113 Đăng Tông Quang  Binh nhất 
114 Cầm Quang  Binh nhất
115 Lê Quang Vinh  Thiếu úy 
116 Vô Danh  Binh nhất 
117 Vô Danh  Binh 
118 Đào Q Khanh  Binh nhất 
119 Huỳnh Văn Đặng 
120 Trần Xuân Thiên  Hạ sỉ 
121 Lê Tý  Binh nhất 
122 Nguyễn Trường Giang  BS
123 Hà Hữu Sự  Binh nhất 
124 Nguyễn Văn Tròn  Binh 
125 Lê Hoàng khánh 
126 Thái Hữu Hiếu  Binh
127 Bùi Văn Cúc  Hạ sĩ nhất 
128 Nguyễn Sang
129 Mai Vy ( Vỵ )  Binh 
130 Nguyễn Văn Chót  Binh nhì 
131 Trần Văn Sử  Binh nhất 
132 Đỗ Văn Lương ( Cương )
133 Khiếu Phát 
134 Lê Phước Cương  Trung úy 
135 Vô Danh  4/8/1968
136 Trương T Hùng
137 Ngâm Mạnh 
138 Vô Danh số 5 
139 Truương Yêm 
140 Nguyễn Văn Công 
141 DĐỗ Trọng Cường 
142 Nguyễn Văn Đoàn 
143 Phaạm Xuân Tài 
144 Phạm Văn Bình 
145 Trần Văn Hai
146 Trần Đình Như 
147 Nguyễn Dần 
148 Trần Đức Nhật  Thiếu úy 
149 Dư Hữu Đức 
150 Lê Lãm 
151 Thạch Tiên 
152 Nguyễn Quang Kiểm 
153 Lê Chồm 
154 Lê Phước  
155 Đặng Văn Nhân 
156 Vô Danh 14 
157 Nguyễn CHIO
158 Nguyễn Thanh Tâm 
159 Nguyễn Giáp Liên Hiệp 
160 Nguyễn Nhi 
161 Ân Văn Be  Binh nhất 
162 Trần Quang 
163 Lê Kim Hoàng 
164 Nguyễn Hữu Tường 
165 Nguyễn Văn Sung 
166 Mai Thuận 
167 Trần Văn Thái 
168 Đỗ Liên 
169 Phan Phước Hậu 
170 Vô Danh số 1 
171 Nguyễn Văn Hạnh 
172 RUM Hạ sĩ nhất 
173 Nguyễn Mân 
174 Phạm Văn Ban 
175 Nguyễn Văn Bé 
176 Tà Hum 
177 Thái Lành 
178 Nguyễn Lâm 
179 Hứa Quốc Thanh 
180 Nguyễn H Danh 
181 Trần Thanh Ban 
182 Lưu Su 
183 Trần Văn Sơn 
184 Danh Khen 
185 Lê Văn Sơn 
186 Nguyễn Văn Chệp 
187 Võ Văn Kiên 
188 Trần Đức Truyền 
189 Khưu Quốc Lương 
190 Nguyễn Tri 
191 Lê Văn Cu 
192 Hả Cam 
193 Thái Mỹ Hưng 
194 Nguyễn Văn Nam 
195 Bùi Cam 
196 Nguyễn Văn Chuyền
197 Nguyễn Văn Phước 
198 Huỳnh Ngọc 
199 Nguyễn Văn Mít 
200 Hà Văn Cúc 
201 Nguyễn Văn Dương